Địa chỉ: Đường Hồ Sen – Cầu Rào 2, Kênh Dương, Quận Lê Chân, Hải Phòng
Vấn đề quan trọng nhất đối với người làm nghề biển là sức khoẻ và khả năng chịu đựng sóng gió. Có thể nói rằng lịch sử phát triển của của chuyên ngành Y học biển của thế giới cũng như của Việt Nam gắn liền với sự phát triển kinh tế biển và các hoạt động quân sự trên biển. Ngay từ thời kỳ nhà Nguyễn, khi lực lượng hải quân bắt đầu phát triển và thực hiện sứ mệnh vượt biển mở mang bờ cõi đến tận quần đảo Hoàng Sa, Triều đình Nhà Nguyễn đã cử các Thái y tham gia tuyển chọn những người lính có đủ sức khoẻ, dũng cảm và có khả năng chịu đựng sóng gió để tham gia đội quân viễn dương này. Nhờ lòng dũng cảm của cha ông ta mà lãnh hải của nước ta đã được mở rộng như ngày nay. Như vậy, có thể nói Y học biển của nước ta cũng đã được cha ông ta quan tâm đến từ rất sớm. Tuy nhiên, trải qua ngót một trăm năm bị giặc ngoại xâm đô hộ, hoạt động kinh tế biển của nước ta gần như bị lãng quên. Biển mênh mông của chúng ta cũng do giặc ngoại xâm chiếm giữ. Tất nhiên, Y học biển vì thế cũng không thể phát triển được.
Khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng năm 1954, miền Nam vẫn nằm dưới ách cai trị của đế quốc và hoà bình cũng chỉ đến với miền Bắc chưa được chục năm trời và từ ngày 2/8/1964 chiến tranh lại lan rộng ra cả miền Bắc. Vào thời điểm này chúng ta đã phát triển được lực lượng hải quân tương đối mạnh để bảo vệ chủ quyền lãnh hải miền Bắc. Ngành y của chúng ta lúc này đã hướng hoạt động vào phục vụ chiến tranh phá hoại của Mỹ và chi viện cho chiến trường miền Nam, lực lượng quân y Hải quân cũng bắt đầu phát triển để phục vụ chiến tranh. Trong suốt thời gian từ 1954-1975 việc nghiên cứu Y học biển cũng chưa được chú ý tới.
Sự ra đời và phát triển chuyên ngành Y học biển nói chung và Viện Y học biển Việt Nam nói riêng cũng gắn kết chặt chẽ với những giai đoạn lịch sử, những bước chuyển mình và mốc son chói lọi của nước nhà.