Thông tin quy hoạch

TPHCM - quy hoạch đô thị vệ tinh (B1)

07/07/2016
(ĐTTCO) - LTS: Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, Khu đô thị Tây Bắc của TPHCM sẽ là một trong ba khu đô thị vệ tinh quan trọng của TP, sau Nam Sài Gòn và Thủ Thiêm. Thế nhưng hàng loạt dự án treo, trong đó dự án Khu đô thị Tây Bắc có quy mô lớn nhất gần như “đóng băng” thời gian dài. Mới đây, tại Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 6, Bí Thư Thành ủy Đinh La Thăng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch, phát triển không gian đô thị theo hướng Tây Bắc - Củ Chi và Cần Giờ để khai thác tối đa tiềm năng của TP.

Bài 1: Siêu đô thị Tây Bắc… trên giấy
Khu đô thị Tây Bắc TPHCM được kỳ vọng tạo sự đối trọng với khu trung tâm, tạo động lực thu hút người dân đến sinh sống, làm việc, giảm áp lực cho khu vực trung tâm TP. Tuy nhiên hơn 15 năm kể từ khi những căn cứ pháp lý đầu tiên về “siêu đô thị” ra đời, đến nay khu đô thị này vẫn còn trên giấy, nhiều dự án được ký kết hoành tráng để rồi sau đó chưa bao giờ triển khai.

Từ một siêu dự án

Chủ trương xây dựng khu đô thị Tây Bắc nhằm tạo động lực phát triển nhanh khu vực và các vùng giáp ranh. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương sang dịch vụ đô thị, công nghiệp, từ đó góp phần cải thiện đời sống người dân. Đặc biệt khu đô thị này sẽ thực hiện được 2 nhiệm vụ quan trọng là góp phần giảm áp lực dân cư, điều hòa dân số, lao động ở các khu vực tập trung quá đông và ô nhiễm trong nội thành TPHCM, các mảng xanh thiên nhiên sẽ được tạo lập để cải thiện môi trường. Khu công nghiệp thuộc khu đô thị Tây Bắc cũng sẽ đáp ứng một phần các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm di dời từ nội thành ra, giải quyết tình trạng ô nhiễm sản xuất trong TP.

Dự án khu đô thị Tây Bắc Củ Chi treo quá lâu, quy hoạch trên diện tích rộng lớn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, bà con rất bức xúc. Mới đây, UBND TPHCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) phối hợp với UBND huyện Củ Chi và Ban Quản lý Đầu tư xây dựng Khu đô thị Tây Bắc TP điều chỉnh quy hoạch của khu đô thị. Hy vọng sau những chỉ đạo kiên quyết của người đứng đầu TP, toàn bộ dự án sẽ có những chuyển động tích cực hơn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi

Với mong muốn xây dựng khu đô thị Tây Bắc là khu đô thị hiện đại với môi trường sống lành mạnh, điều kiện sống hoàn hảo trong vòng 10 năm và tiến tới là đô thị đa trung tâm, các phương án thiết kế được dựa trên nguyên tắc: bền vững, đề cao tự nhiên, cân bằng giữa thiên nhiên và con người… Để có được phương án tối ưu riêng cho khu đô thị Tây Bắc, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu các mô hình đô thị phát triển trên thế giới, đặc biệt là các đô thị mới ở Hà Lan, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc… và đồng thời nghiên cứu bối cảnh vùng của TPHCM và hiện trạng khu Tây Bắc. Thông qua việc nghiên cứu trên họ đã rút ra 2 điều kiện để phát triển khu đô thị là tạo ra cơ hội việc làm, môi trường sống tốt và giao thông thuận tiện.

Khu đô thị Tây Bắc được quy hoạch khoảng 6.000ha, dựa trên khu vực trục vành đai và hành lang, thuộc một phần diện tích xã Tân Thới Nhì (Hóc Môn), xã Tân Phú Trung, xã Tân Thông Hội, Tân An Hội, thị trấn Củ Chi và xã Phước Hiệp (Củ Chi), có chiều dài khoảng 18km, rộng từ 3-5km (chiều dài gần gấp 4 lần chiều ngang). Đơn vị tư vấn đã đưa ra nhiều phương án thiết kế, để cuối cùng chọn ra phương án phù hợp nhất với hiện trạng và nhiệm vụ đề ra. Phương án được chọn nhấn mạnh đến môi trường, đề cao kết nối xanh của khu đô thị, sử dụng hệ thống kênh rạch hiện hữu kết hợp cây xanh, liên kết các vành đai xanh và hành lang xanh với kích cỡ khác nhau tạo nên các tế bào xanh với sự đa dạng về sử dụng đất. Không gian đô thị định hướng phát triển theo 4 chủ đề: Sống - làm việc - vui chơi - phát triển.

Khu đô thị Tây Bắc sẽ có 2 trung tâm lớn là Trung tâm đô thị Củ Chi với chức năng dành cho lịch sử, văn hóa nghệ thuật, nhà ở thấp tầng; và một trung tâm lớn khác sẽ nằm giữa kênh số 5 và số 7, là trung tâm hiện đại, có các công trình mang tầm cỡ quốc tế. 2 trung tâm này sẽ hỗ trợ cho nhau để cùng phát triển. Ngoài “cặp đôi đô thị” trên còn có các trung tâm thứ cấp với nhiều chức năng khác nhau. Ở vị trí góc phía Nam khu đô thị sẽ dành riêng để xây dựng cơ sở hạ tầng như trạm điện, nhà máy xử lý nước… Không gian cây xanh được xác định theo khu vực nhưng sẽ được kết nối với nhau…

 

Đến thực tiễn nhếch nhác

Sau khi dự án được phê duyệt, nhiều dự án được ký kết, cấp phép đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thậm chí nhà đầu tư tổ chức khởi công dự án nhưng rồi không triển khai, do vậy đến nay mọi thứ vẫn đang hết sức nhếch nhác. Dọc theo Quốc lộ 22 đoạn chạy qua các xã Bà Điểm, Tân Thới Nhì (Hóc Môn), Tân Phú Trung, Tân Thông Hội (Củ Chi)… hàng trăm ha đất nông nghiệp bị hoang hóa cỏ mọc um tùm, nhiều bãi đất trống bị một số người làm bãi đổ rác sinh hoạt, rác thải công nghiệp bốc mùi hôi thối. Tại ấp 3, xã Tân Thới Nhì, chúng tôi bắt gặp một nông dân tên Hai Bầu đang hì hục dùng cưa cắt một cây khô khá to thành nhiều đoạn. Ông cho biết, ruộng đất nơi đây được quy hoạch thành khu đô thị đại học nhưng trường lớp chả thấy đâu còn đất thì bị hoang hóa từ nhiều năm nay.

Khu đô thị đại học ông Hai Bầu nói chính là Khu đô thị - đại học quốc tế rộng 880ha tại xã Tân Thới Nhì (Hóc Môn), được cấp phép cho Berjaya Corporation Berhad, Malaysia làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD. Khi cấp phép, chính quyền TP kỳ vọng đến năm 2013 dự án này có thể cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước. Nhưng đến nay tất cả vẫn chỉ dừng ở trên giấy. Lãnh đạo UBND xã Tân Thới Nhì cho biết, chủ đầu tư chỉ đền bù giải tỏa một phần rất nhỏ trong dự án, còn lại hầu như chưa triển khai gì.

 

Khu đô thị đại học của Tập đoàn Berjaya

Siêu dự án Khu đô thị đại học của Tập đoàn Berjaya đến nay chỉ là bãi đất trống. Ảnh: TRÀ GIANG

 

Dự án xây dựng sân golf của Tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc) cũng được trao giấy chứng nhận đầu tư hơn 10 năm nay. Theo quy hoạch, GS E&C sẽ xây dựng sân golf 36 lỗ trên diện tích 200ha tại khu đô thị Tây Bắc TP thuộc huyện Củ Chi, nhưng đến nay vẫn còn trên giấy. Một số dự án về nhà ở nằm trong khu đô thị Tây Bắc trước đây cũng từng được chủ đầu tư tổ chức khởi công rầm rộ, nhưng sau đó xin… trả lại đất cho Ban Quản lý khu đô thị. Theo giải thích của chủ đầu tư, TP muốn có một số dự án “mồi” trong khu đô thị, nhưng chủ đầu tư sau khi cân nhắc sợ xây song không có người đến ở nên xin thôi.

Mới đây, sau nhiều buổi làm việc của Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng với lãnh đạo huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và các sở, ngành, siêu dự án này được hâm nóng trở lại. Việc đầu tiên ông Thăng yêu cầu là rà soát lại quy hoạch của toàn bộ dự án để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và công bố cho dân biết trong tháng 7-2016. Bởi hơn 10 năm nay quy hoạch không còn phù hợp, lâu ngày dự án không triển khai dân cư tự phát lên đến 20.000 hộ nằm trong dự án.

Bình Minh(saigondautu.com)