Tại buổi giao ban, ông Long cho biết: “Hồ Hoàn Kiếm là khu vực đặc biệt quan trọng, rất nhiều người quan tâm. Chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng nguyên tắc bảo tồn di sản đối với khu vực này. Các phương án, màu sắc, màu sơn cửa nhà sẽ xin ý kiến của cộng đồng, từng hộ dân một.
Đích thân tôi trước đây thực hiện hai dự án, cải tạo mặt đứng phố Tạ Hiện và dự án bảo tồn mặt đứng phố Lãn Ông. Đối với phố Tạ Hiện, Lãn Ông, từng bản vẽ, màu sơn, số nhà, làm việc với từng hộ, từng số nhà.
Có khó khăn là có những số nhà tầng 1 là 1 hộ, tầng 2, tầng 3 lại hộ khác. Chúng tôi sẽ xin ý kiến cộng đồng, người dân, nhà khoa học, sẽ lựa chọn màu sắc, đưa ra giải pháp bảo tồn”.
Liên quan đến việc trồng một số chậu cây làm đẹp cảnh quan trên ban công các nhà, treo trên phố, ông Long cho biết, việc này sẽ nghiên cứu thực sự an toàn, phù hợp mới thực hiện.
Trước đó, UBND TP có thông báo số 212/TB-UBND về kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP tại cuộc họp về các phương án cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Theo đó, UBND TP đồng ý với cách tiếp cận nghiên cứu về tổ chức giao thông, không gian kết nối, các điểm nhấn chính xung quanh hồ Hoàn Kiếm (bao gồm 7 điểm nhấn: tháp Hòa Phong, vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, khu vực đền Bà Kiệu, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đền thờ vua Lê, không gian ngã tư Hàng Khay - Bà Triệu, khu vực đặt đồng hồ ngã tư Hàng Khay - Hàng Bài).
Yêu cầu bổ sung nghiên cứu mở rộng kết nối với các tuyến phố xung quanh: Đinh Tiên Hoàng - Hàng Dầu - Cầu Gỗ - Hàng Gai - Lương Văn Can - Bảo Khánh, Trần Nguyên Hãn, Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ, Tràng Tiền - Hàng Khay - Lê Thái Tổ… Nghiên cứu thiết kế đồng bộ hệ thống chiếu sáng xung quanh hồ Hoàn Kiếm với chiếu sáng các tòa nhà và các tuyến phố.
Tại vị trí đặt bốt bảo vệ hiện có của UBND quận Hoàn Kiếm, cần thiết kế kết hợp trạm hướng dẫn khách du lịch. Thiết kế các công trình nhà vệ sinh công cộng văn minh, hiện đại và có thể kết hợp chức năng thông tin, hướng dẫn khách du lịch. Xác định vị trí đặt biển báo, biển ghi chú thông tin phục vụ khách du lịch.
Tổ chức lại giao thông tại các khu vực tập trung đông người (khu vực Nhà hát Múa rối nước Thăng Long) và nghiên cứu gắn kết với nhà ga C9, phân luồng giao thông cho xe buýt, xe taxi, điểm đón trả khách. Khi triển khai tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm có nghiên cứu bố trí xe bán hàng dịch vụ lưu động.
Khuyến khích treo hoa cây cảnh trên mặt tiền công trình theo vị trí thiết kế dọc các tuyến phố. Bổ sung ghế ngồi nghỉ tại các trục đường dạo quanh hồ phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi và thăm quan của du khách và nhân dân. Các trục đường dạo, vỉa hè thiết kế màu sắc tạo phân luồng lối đi bộ, sử dụng vật liệu lát hè đường đi bộ có bề mặt nhám chống trơn trượt.
Chủ tịch UBND TP giao UBND quận Hoàn Kiếm chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, tổng hợp các nghiên cứu thiết kế của các đơn vị tư vấn đang nghiên cứu thiết kế khu vực hồ Hoàn Kiếm, báo cáo UBND TP trước ngày 10/7/2016 làm cơ sở báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy chấp thuận chủ trương, đồng thời tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các tổ chức hội nghề nghiệp và nhân dân, hoàn chỉnh phương án thiết kế, đồng thời, hoàn chỉnh dự án, thiết kế chi tiết, trình duyệt theo quy định.
Về phương án chỉnh trang các mặt phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm, yêu cầu chỉ nghiên cứu thiết kế chỉnh trang mặt đứng các công trình tại các tuyến phố cụ thể xung quanh hồ Hoàn Kiếm và lân cận về màu sơn, hệ thống cửa, ban công, logia, mái che mái vẩy, đảm bảo thống nhất, hài hòa, văn minh, gắn với nét văn hóa đặc trưng.
Đồng thời, quy định cụ thể về vị trí, kích cỡ biển hiệu, biển quảng cáo; nội dung thiết kế biển hiệu, biển quảng cáo do các hãng hàng hóa hoặc nhân dân tự đầu tư thực hiện theo thiết kế được duyệt.
Quốc Bình (baoxaydung.com)