Thông tin quy hoạch

Quy hoạch ga đường sắt Bình Triệu (TP.HCM) 33.000 tỷ: Tắc 14 năm vì... vốn quá khủng

20/07/2016

Ngay từ năm 2002, UBND TP.HCM đã đưa ra bản quy hoạch xây mới ga Bình Triệu, nhưng đến nay, địa điểm được quy hoạch xây dựng ga Bình Triệu vẫn chưa có động tĩnh gì, người dân tại đây phải sống trong quy hoạch treo.

Vì nhiều vướng mắc mà quy hoạch xây mới ga Bình Triệu lập năm 2002 chưa được thực hiện. Đến ngày 8/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch giao thông - vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 tại Quyết định 568/QĐ-TTg. Theo đó, đồng ý xây dựng mới các ga trong khu đầu mối đường sắt TP.HCM, bao gồm ga khách kỹ thuật phía Bắc là ga Bình Triệu với diện tích 41 ha, ga khách trung tâm là ga Sài Gòn với diện tích 6,14 ha.

quy hoạch đường sắt ga Bình Triệu

Ngay sau đó, Bộ GTVT cũng phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM, trong đó ga Bình Triệu là một trong các ga chính trong khu đầu mối, có chức năng làm đầu mối trung chuyển khách từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng khác.

Tháng 9/2013, UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu đầu mối giao thông Bình Triệu, trong đó đất ga đường sắt có diện tích 47,35 ha.

Tưởng rằng, sau những quyết định này, ga Bình Triệu sẽ mau chóng được xây dựng sau nhiều năm trì hoãn, nhưng tới nay dự án vẫn chỉ nằm trên giấy, còn người dân khu vực dự án phải chịu khổ vì quy hoạch treo.

Phóng viên Báo Đầu tư tìm tới khu vực xây dựng ga Bình Triệu những ngày giữa tháng 7, tháng mùa mưa ở TP.HCM, chứng kiến cảnh nhiều hộ dân đang phải sống trong những ngôi nhà cấp 4 xuống cấp, đường vào lầy lội, sau mỗi cơn mưa, nước ứ đọng khiến nơi đây như vùng quê mùa nước nổi.

Bà Trần Thị Bé, một hộ dân sống tại đây cho biết, từ năm 2002, Thành phố thông báo quy hoạch xây dựng ga Bình Triệu và sẽ thu hồi đất của các hộ dân, chính vì vậy mà nhà muốn bán nhưng không ai dám mua. Muốn xây dựng sửa chữa thì chính quyền không cho, nhiều nhà muốn đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng không được. Vì là khu quy hoạch nên đường sá cũng không ai ngó ngàng sửa chữa cho dân.

Ông Trần Văn Báo, một hộ dân thuộc diện giải tỏa để xây mới ga Bình Triệu cho biết, nhà ông có 60 m2 đất, gia đình có 4 người con trai đều đã lấy vợ và sống cùng ông bà trên căn nhà cấp 4 xây dựng cách đây gần 40 năm. “Nhà xuống cấp, cứ trời mưa là dột. Gia đình đông người nên có nhu cầu xây dựng thêm lầu để sinh sống, tuy nhiên lên phường xin giấy phép xây dựng thì bị trả hồ sơ về, vì nhà tôi trong vùng quy hoạch xây dựng ga Bình Triệu mới”, ông Báo nói.

Làm việc với UBND quận Thủ Đức, ông Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND quận cũng thừa nhận, hàng ngàn hộ dân phường Hiệp Bình Chánh đang phải sống khổ vì quy hoạch ga Bình Triệu.

“Cả khu vực rộng 47,35 ha chỉ có vài đường giao thông chính, nhưng đường cũng chỉ rộng 5m, các đường giao thông còn lại không theo quy hoạch nào, nên chỉ rộng từ 1 đến 3m, ngoằn nghèo khó đi, gây khó khăn cho công tác phòng cháy chữa cháy khi xảy ra sự cố. Đồng thời, hệ thống thoát nước của khu vực này chủ yếu thoát tràn qua các mương hở, nên gây ngập úng cục bộ, ô nhiễm môi trường. Nguyên do vì quy hoạch dự án đã khiến 3.257 hộ gia đình (khu phố 2, 6, 7, phường Hiệp Bình Chánh) với hơn 15.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Việc chậm triển khai dự án đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi chính đáng của người dân như không được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở, không được cấp giấy phép xây dựng…”, ông Dũng cho biết.

Để tìm hiểu nguyên nhân dự án chậm triển khai, phóng viên đã tìm gặp ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM. Ông Cường cho biết, quy hoạch ga Bình Triệu bao gồm tuyến Hòa Hưng - Trảng Bom, do Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Trong đó, đoạn từ ga Hòa Hưng đến ga Bình Triệu dài 8,8 km, dự kiến mức đầu tư 8.100 tỷ đồng tiền xây lắp và 15.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng. Đoạn từ ga Bình Triệu đến Trảng Bom dự kiến cần khoảng 10.000 tỷ đồng để đầu tư. Vì kinh phí xây dựng dự án quá lớn, nên Bộ GTVT đang tìm nguồn vốn, mặc dù đã công bố quy hoạch, nhưng chưa thể cắm mốc được. Trong năm 2016, Cục Đường sắt sẽ tìm vốn và tiến hành cắm mốc, ranh giới toàn tuyến.

Ông Cường cho biết thêm, hồi đầu tháng 5/2016, nhiều người dân sống tại khu vực quy hoạch xây dựng ga Bình Triệu đã gửi đơn cầu cứu tới Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng. Ông Thăng đã chỉ đạo UBND Thành phố giao Sở GTVT công bố công khai quy hoạch và tiến hành cắm mốc dự án ga Bình Triệu, việc này phải hoàn thành trong quý III/2016.

“Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng, trước mắt Sở GTVT sẽ kiến nghị làm trước đoạn từ ga Hòa Hưng đến ga Bình Triệu, còn tại ga Bình Triệu, Sở sẽ phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam cắm mốc, sau đó giao cho quận Thủ Đức quản lý và tiến hành giải tỏa trước một phần để tái định cư tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng”, ông Cường nói.

Theo Gia Huy/Báo Đầu tư