Thông tin quy hoạch

Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh, mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa

09/03/2017

Theo đó, tổng diện tích thuộc phạm vi nghiên cứu là 106.000 ha. Phạm vi nghiên cứu Khu kinh tế Nghi Sơn gồm: toàn bộ diện tích Khu kinh tế Nghi Sơn cũ; phần diện tích còn lại của huyện Tĩnh Gia; 3 xã Thanh Tân, Thanh Kỳ, Yên Lạc (thuộc huyện Như Thanh) và 3 xã Yên Mỹ, Công Bình, Công Chính (thuộc huyện Nông Cống).

Việc điều chỉnh, mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm xây dựng Khu kinh tế phù hợp với chiến lược phát triển biển Việt Nam nói riêng và chiến lược phát triển quốc gia nói chung; xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn là trung tâm thu hút về đầu tư và trung chuyển hàng hóa của vùng và khu vực; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh; trở thành khu vực phát triển kinh tế năng động, đột phá, nhanh và bền vững, một trọng điểm phát triển ở phía Nam của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Khu kinh tế Nghi Sơn (Ảnh: Internet)

Điều chỉnh, mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo nhiều việc làm, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; từng bước hình thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực. Xây dựng khu kinh tế trở thành khu vực phát triển công nghiệp tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gắn với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển nước sâu với trọng tâm là công nghiệp lọc - hóa dầu và công nghiệp cơ bản; có không gian kiến trúc cảnh quan, đô thị văn minh, tiên tiến, môi trường bền vững và sử dụng đất đai hiệu quả; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Về mục tiêu đặt ra, từ nay đến năm 2025, hoàn thiện môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi, triển khai một số công trình hạ tầng kinh tế, xã hội quan trọng, thu hút các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. S sau năm 2025 sẽ phát triển đồng bộ về công nghiệp; dịch vụ; thương mại; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; tài chính; văn hóa - xã hội; phát triển theo mô hình đô thị xanh và bền vững; đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng trong các khu đô thị sinh thái, thân thiện với môi trường, đạt tiêu chuẩn cao; gắn phát triển kinh tế - xã hội với an ninh quốc phòng; phấn đấu trở thành một khu vực đô thị phát triển năng động và hiện đại.

Thủ tướng yêu cầu phải phân tích, đánh giá rõ vai trò, vị thế, tiềm năng và động lực phát triển của Khu kinh tế; định hướng quy hoạch chung xây dựng; đánh giá hiện trạng điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, dân cư, cảnh quan, lao động, kiến trúc, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng xây dựng, các chương trình, dự án đang triển khai có liên quan đến Khu kinh tế...

Thành phần, nội dung, quy cách và số lượng hồ sơ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ về việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật hiện hành. Đồ án quy hoạch được lập trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1/5.000.