Thông tin quy hoạch

Hà Nội: Điều chỉnh cho phép tăng chiều cao, mật độ các tòa nhà

07/07/2017

Khu đất được điều chỉnh chức năng thuộc khu vực Thanh Xuân, nơi di dời
nhà máy Cơ khí ô tô Hòa Bình

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa ký ban hành Quyết định số 4070/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2000 tại khu đất số 44, phố Triều Khúc thuộc ô quy hoạch ký hiệu E2/ODK3 và E2/NT1 (do Công ty CP Cơ khí ô tô Hòa Bình đang quản lý, sử dụng), P.Thanh Xuân Nam, Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội.

Theo Quy hoạch đã được phê duyệt năm 2015, khu đất điều chỉnh cục bộ quy hoạch này thuộc ô quy hoạch ký hiệu E2/OĐK3 và E2/NT1 có chức năng là đất ở, đường giao thông, trường mầm non. Nay phê duyệt điều chỉnh sang chức năng đất hỗn hợp, gồm nhà ở, thương mại, văn phòng, trường mầm non, đường giao thông, cây xanh.

Cụ thể, vị trí khu đất điều chỉnh có phía Đông Bắc giáp phố Triều Khúc; phía Đông Nam giáp đường quy hoạch và dân cư phường Thanh Xuân Nam, phía Tây Bắc và phía Tây Nam giáp đường quy hoạch.

Theo Quy hoạch trước đó, mật độ xây dựng là từ 20-40, chiều cao các tòa nhà sẽ từ 1-20 tầng. Nay điều chỉnh mật độ xây dựng lên 40 và chiều cao tầng lên 27. Còn diện tích đất dành cho giao thông không thay đổi.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cho biết, mục tiêu điều chỉnh là di dời cơ sở sản xuất không còn phù hợp ra khỏi khu vực nội thành. Tuy cho phép tăng tối đa mật độ xây dựng, tăng chiều cao các tòa nhà nhưng ông Hùng vẫn lưu ý nguyên tắc điều chỉnh là giữ nguyên dân số đã tính toán phân bổ cho lô đất trước khi điều chỉnh, giữ nguyên diện tích trường mầm non đã định hướng trong quy hoạch phân khu được duyệt.

Việc điều chỉnh chức năng các tòa nhà, khu đô thị là vấn đề nhận được nhiều chất vấn của đại biểu HĐND trong Kỳ họp vừa qua, với các ý kiến cho rằng điều chỉnh thường làm tăng chiều cao, tăng mật độ dân số, nhất là việc điều chỉnh tăng chiều cao tòa nhà lại không đi kèm với điều chỉnh tăng các cơ sở hạ tầng xã hội, gây bức xúc trong dư luận. Song, trả lời thắc mắc này, ông Lê Vinh, Giám đốc sở QHKT cho rằng, khi nào điều chỉnh tăng vượt 1,5 lần quy mô dân số thì mới phải điều chỉnh lại cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đặc biệt nhấn mạnh việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội đô nhưng không tuân thủ nguyên tắc ưu tiên đất cho xây dựng hạ tầng xã hội, các thiết chế văn hóa như trường học, sân chơi, vườn hoa, mà thay vào đó là xây các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại...