Địa chỉ: Huế
Chợ có từ năm 1862 thời Minh Mệnh (1820 - 1840) do con thứ tư của vua Gia Long là Định Viễn công Nguyễn Phước Bình lập ra bên bờ sông Hương. Lúc đầu, chợ chỉ là nơi vui chơi, trao đổi hàng hoá của hoàng tộc. Sau thấy vui, nhân dân quanh vùng đến mua bán, rồi bày ra các trò chơi dân gian. Do vậy, chợ Gia Lạc trở thành một hình thức hội chợ vui xuân, chợ phiên ngày Tết.
Địa điểm họp chợ tại ngã ba giáp ranh làng Nam Phổ, trên hai nẻo đường một về Dương Nỗ, một về Ngọc Anh, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3km, cách bờ sông Hương khoảng 300m. Đối diện với chợ Dinh bên kia sông Hương.
Hàng hoá ở chợ rất phong phú, từ những đồ chơi cho trẻ, đồ ăn, thức uống…đa phần là sản vật địa phương: cau Nam Phổ - vỏ mỏng, nhỏ tơ, ruột trong; trầu chợ Dinh nổi tiếng và được gọi là “trầu hương”. Đồ chơi cho trẻ là chim, cá, trái cây, con giống, ông Trạng cưỡi ngựa, Bà Trưng cưỡi voi… Tất cả đều làm từ chất liệu dân gian: bột sắn, bột gạo nhuộm màu hay đất sét. Thức ăn thì có rất nhiều thứ nhưng có một thứ mà không bao giờ vắng mặt trong ba ngày chợ ở đây đó là thịt bò thui.
Chợ Gia Lạc còn là điểm tập trung vui chơi trong ba ngày Tết với các trò chơi dân gian: bài chòi, bài ghế, hò giã gạo, bài vụ, bầu cua cá…
Trang phục của những người đi chợ Gia Lạc rất đẹp. Y phục nữ thường theo lối cổ truyền áo mớ ba, mớ năm. Mọi người đến đây đều tỏ ra dễ tính, nói năng nhẹ nhàng, ứng xử lịch sự. Riêng ở hàng hoa, người ta kiêng dùng từ “mua - bán” mà thay bằng từ “biếu - tặng”. Tuyệt nhiên ở chợ này không có hiện tượng cãi cọ, to tiếng với nhau.
Chợ Gia Lạc là một sinh hoạt văn hoá mang phong cách Huế rất rõ nét.