Địa chỉ: Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định
Không ồn ào, náo nhiệt mà lặng lẽ, thanh bình, chẳng lấp lánh muôn ánh đèn điện mà le lói những ngọn đèn dầu, ấy chính là nét đặc trưng của phiên chợ đêm Gò Găng thuộc phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Hàng đêm từ 3 giờ đến 5 giờ là phiên chợ mở, những chồng nón lá được dọn ra mời chào khách. Người bán nhỏ nhẹ mời gọi người mua, kẻ đi chợ cũng nhẹ nhàng di chuyển và khẽ khàng đáp lại. Không một lời nói to, không một tiếng động mạnh. Chỉ có ngọn đèn dầu đưa qua đưa lại vừa đủ cho khách hàng chọn nón và nhìn thấy đồng tiền đưa qua thối lại. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp đơn sơ, bình dị lay động lòng người.
Làng nón Gò Găng nổi tiếng từ thời Tây Sơn với những chiếc nón ngựa được làm cho binh lính của vua Quang Trung. Trên đỉnh nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ long, ly, qui, phụng. Quai nón được làm bằng những dải lụa đỏ hoặc xanh, chỗ dưới cằm có chỏm tua. Trải qua sự thăng trầm của thời gian, đến nay, chiếc nón Gò Găng là sự kết hợp các chi tiết giữa nón bài thơ xứ Huế và nón ngựa Tây Sơn ngày xưa.
Chợ nón Gò Găng là đầu mối để đưa những chiếc nón lá thanh tao, uyển chuyển được làm nên từ bàn tay khéo léo của người phụ nữ Nhơn Thành và các vùng lân cận đến mọi miền đất nước. Có người 10 chiếc, có người 20 chiếc, có người 40 chiếc, tranh thủ những lúc nông nhàn để chằm nón kiếm thêm thu nhập.
Tầm 4 giờ thì chợ đã dần vắng khách, các chị, các mẹ bán nón xong cũng gói ghém hàng hóa và di chuyển vào một góc khác của chợ để mua vật liệu về làm nón. Lá mật cật, ống lồ ô, chỉ cước… không thiếu thứ gì.
Đến 5 giờ sáng thì hoàn toàn chợ vãn, từng chồng nón lại được gói ghém, sắp xếp cẩn thận để bắt đầu cho chuyến du hành đi khắp nơi trên cả nước, theo mẹ đi chợ, theo chị vào chùa, theo thím nông dân ra đồng, theo các cô nữ sinh đến lớp…