Trước đó, quyết định của người Anh về việc rời EU được công bố cuối buổi sáng nay (theo giờ Hà Nội) khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán trong nước cũng như thế giới lo sợ. Nối gót nhiều thị trường trong khu vực, các lệnh bán cổ phiếu ồ ạt được tung ra.
Chỉ số trên 2 sàn Hà Nội và TP HCM cùng lao dốc từ cuối phiên sáng khi hàng loạt cổ phiếu trụ cột đồng loạt bị bán và giảm giá như VNM, VCB, BVH... Không còn trụ đỡ, Vn-Index giảm tới 34,5 điểm ngay đầu phiên chiều, mạnh nhất từ đầu năm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng sau tin người Anh lựa chọn rời EU. |
Sắc đỏ bao trùm hai sàn với hơn 450 mã giảm điểm. Không một cổ phiếu nào trong rổ VN30 còn trụ vững. Điển hình như VNM giảm 5.000 đồng, BVH giảm 3.500 đồng, VCB giảm 1.900 đồng, VIC và GAS giảm 2.500 đồng, MWG giảm 2.000 đồng, HPG giảm 1.800 đồng, HSG giảm 2.400 đồng… Hơn 100 mã khác giảm sàn như HAG, HNG, CTG, BCG, BGM...
Các lệnh bán diễn ra ở hầu hết các dòng cổ phiếu: từ ngân hàng, dầu khí đến chứng khoán… Chỉ còn một vài mã nhỏ, thanh khoản thấp còn giữ được sắc xanh. Trước đó, khép lại phiên giao dịch sáng, Vn-Index giảm 21,63 điểm xuống 610,64 điểm.
Một môi giới tại Công ty Chứng khoán Sài gòn (SSI) cho biết thị trường đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi thông tin Anh rời EU, đã “thổi bay” nỗ lực tăng điểm trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, việc Vn-Index rơi mạnh chủ yếu do tác động tâm lý và cuộc bán tháo của chứng khoán toàn châu Á. “Dòng tiền lớn không có xu hướng thoát khỏi thị trường, vẫn đang lựa chọn các cổ phiếu tốt. Những thời điểm giảm sâu có thể là cơ hội mua vào những cổ phiếu này sau thời gian giá ở đỉnh”.
Ông Nguyễn Thế Minh – Trưởng phòng Phân tích (Công ty Chứng khoán Bản Việt) nhận định tâm lý nhà đầu tư đang rất tiêu cực, sẵn sàng bán tháo theo xu hướng các thị trường chứng khoán thế giới và việc này chưa thể dừng lại ngay.
Vị này cho rằng thực tế mối quan hệ kinh tế Việt Nam – Anh mới ở giai đoạn đầu của phát triển nên mức độ tác động trực tiếp không quá nhiều. Tuy nhiên, việc Anh rời EU lại tác động lớn đến khối liên minh - vốn có mối quan hệ chặt chẽ. Việc này ảnh hưởng rủi ro đến toàn bộ thị trường chứng khoán trên thế giới, từ đó ảnh hưởng đến việc mua bán của quỹ ngoại tại Việt Nam để đầu tư vào những kênh an toàn hơn.
“Chưa có một báo cáo trực tiếp nào nói về ảnh hưởng kinh tế của Việt Nam khi Anh rời EU, việc bán tháo chủ yếu do tác động tâm lý từ bên ngoài, tâm lý đám đông. Họ lo sợ Anh rời EU có thể sẽ khởi đầu cho xu hướng bán ròng của khối ngoại sau thời gian dài ở thế mua ròng ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ bị tác động nhưng không quá tiêu cực so với các nước”, ông Minh nói. Ở những thời điểm giảm sâu, có nhiều ý kiến cho rằng nên tận dụng mua vào, song ông Minh khuyến cáo nên cẩn trọng bởi sự kiện Anh rời EU có thể có tác động lâu dài.
Không chỉ Việt Nam, các thị trường tài chính châu Á cũng diễn ra cảnh tháo chạy khi tin tức tại Anh dần được công bố. Đến 1h40 chiều nay (giờ Hà Nội), đà giảm tại tất cả chỉ số lớn trong khu vực đều tăng tốc. Shanghai Composite Index (Trung Quốc) hiện giảm 1,1%. Hang Seng Index (Hong Kong, Trung Quốc) mất 4,3%. Mức giảm này của Nikkei 225 (Nhật Bản) và Kospi (Hàn Quốc) lần lượt là 9,4% và 3%.
Trước đó, giới chuyên gia từng cảnh báo Anh rời EU có thể châm ngòi cho biến động chứng khoán toàn cầu, khiến kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng mới.
Tuy vậy, trao đổi với báo chí sáng nay, bà Đỗ Thị Ngọc - Phó vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tồng cục Thống kê) đánh giá qua các số liệu về quan hệ kinh tế song phương, việc Anh ra đi hay ở lại EU gần như không tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam.
Bà Ngọc cho rằng, Việt Nam mặc dù tham gia ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (trong đó có cả FTA với Liên minh châu Âu) song vẫn ở giai đoạn chuẩn bị, chưa hội nhập sâu rộng nên chưa ảnh hưởng nhiều. Vị này cho rằng hưởng nhiều nhất là châu Âu, Mỹ. Riên châu Á thì các thị trường Hong Kong, Singapore, Nhật sẽ bị tác động lớn.
Bạch Dương