Từ đầu năm đến nay (101 phiên), tổng khối lượng giao dịch trên UPCoM đạt 933,8 triệu đơn vị, xấp xỉ tổng khối lượng giao dịch cả năm 2015 (934,6 triệu đơn vị, với 248 phiên) và cao hơn tổng khối lượng giao dịch giai đoạn 2012 - 2014 (812 triệu đơn vị). Giá trị giao dịch từ đầu năm đến nay đạt 13.084 tỷ đồng, bằng 91,6% tổng giá trị giao dịch năm 2015 và cao hơn tổng giá trị giao dịch giai đoạn 2012 - 2014 (10.986 tỷ đồng).
Tính đến ngày 23/6, có hơn 300 mã cổ phiếu được giao dịch trên UPCoM, tăng mạnh so với con số 169 mã cổ phiếu ở thời điểm cuối năm 2014. Giá trị vốn hóa trên UPCoM hiện đạt trên 110.000 tỷ đồng, gấp gần 2 lần thời điểm cuối năm 2015.
Có một số doanh nghiệp hủy niêm yết (cả tự nguyện và bắt buộc) chuyển sang giao dịch trên UPCoM, cổ phiếu chủ yếu có “giá bèo”. Tuy nhiên, sau khi giao dịch trên UPCoM thì không ít cổ phiếu “hồi sinh”, có mức tăng giá mạnh, tạo ra câu chuyện về “sóng cổ phiếu giá bèo”. Điển hình trong số đó là các mã AVF, GGG, PXM…
Từ ngày 1/7/2015, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) điều chỉnh biên độ dao động giá cổ phiếu trên UPCoM từ ±10% lên ±15% đã hấp dẫn nhiều nhà đầu tư.
Sự hỗ trợ của các chính sách mới
UPCoM ngày càng thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư bởi thị trường này đón nhận nhiều chính sách của cơ quan quản lý giúp tăng tính hấp dẫn và thanh khoản. Trong đó, ngày 13/11/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 180/2015/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết. Thông tư 180 quy định, tất cả các công ty đại chúng hình thành trước ngày 1/1/2016 (ngày Thông tư 180 có hiệu lực) mà không niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán sẽ phải thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM trong vòng 1 năm kể từ ngày 1/1/2016. Đối với các công ty đại chúng hình thành sau ngày 1/1/2016 thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng hoặc kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng phải thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Thêm nhiều doanh nghiệp lên sàn sẽ giúp thị trường tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự báo, từ nay đến cuối năm, số lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM sẽ tiếp tục tăng mạnh, có thể vượt cả số lượng doanh nghiệp trên sàn niêm yết.
Đáng chú ý, HNX vừa thực hiện phân bảng, áp dụng bộ chỉ số riêng, tiến tới việc thực hiện ký quỹ đối với các cổ phiếu “VIP” trên UPCoM và đang xây dựng cơ chế giao dịch Pre-UpCom. Đây là các biện pháp nhằm tăng sức hút trên thị trường UPCoM. Thực tế, không chỉ trên sàn niêm yết, mà trên UPCoM hiện cũng có không ít doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả đang “ẩn mình”, mà không phải nhà đầu tư nào cũng nắm được.
Cụ thể, HNX vừa công bố 86 cổ phiếu lọt danh sách UPCoM Premium. Danh mục cổ phiếu “hạng sang” UPCoM Premium Index sẽ tăng sức hút cho sàn UPCoM. Các doanh nghiệp có cổ phiếu lọt vào danh sách này phải đạt các tiêu chí về tình hình tài chính và có ý thức công bố thông tin theo quy định của pháp luật. Việc lựa chọn các cổ phiếu vào danh sách UPCoM Premium được thực hiện cả theo phương thức định tính và định lượng. Những cổ phiếu đã “nổi danh” trên UPCoM như GEX, MSR, SWC, VLC... đều có mặt trong UPCoM Premium.
Nhiều cổ phiếu “vàng” chưa được khám phá
Dòng tiền chảy vào UPCoM thời gian qua tập trung ở một số mã cổ phiếu có vốn hóa lớn như SAS, MSR, VGG, VGC, VLC, TVN, GEX, VEF, NCS… Trong số này, SWC và GEX là hai mã có thanh khoản lớn nhất, với khối lượng giao dịch bình quân gần 2 triệu cổ phiếu/phiên. Đây đều là 2 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng liên tục trong 3 năm qua (2013 - 2015).
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBankSC), trên UPCoM đang có nhiều “mỏ vàng” chưa được khai phá. Thực tế, nhiều cổ phiếu trên UPCoM trả cổ tức vài chục phần trăm mỗi năm như PSL, HDM, IME, CEC… Thậm chí, có những cổ phiếu có cổ tức cao hơn cả thị giá như trường hợp MEF và KSC (giá sụt giảm là do bị điều chỉnh kỹ thuật trong các ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng…).
Để sở hữu những cổ phiếu này là không đơn giản khi thanh khoản của cổ phiếu rất thấp do lượng bán ra quá ít, thậm chí nhiều phiên không có người bán. Loại trừ những cổ phiếu khó mua kể trên, UPCoM vẫn còn nhiều cổ phiếu tăng trưởng ổn định, chi trả cổ tức cao và có thanh khoản như SGN, WSB, SDK…
Mặt khác, thị trường UPCoM mở ra cơ hội cho nhà đầu tư với những doanh nghiệp “hồi sinh” sau khủng hoảng như trường hợp Viglacera Thăng Long (TLT).