Kinh nghiệm mua bán nhà

Tuyệt đối không thể bỏ qua khi mua nhà cũ

03/01/2017

1. Không nên tin tưởng vào bản vẽ sơ đồ nhà đất mà bên bán nhà cung cấp

Thông thường, khi xem nhà người mua sẽ được bên bán cho xem sổ đỏ và sơ đồ mảnh đất hiện tại. Nhưng bạn nên nhớ rằng bản vẽ đó chưa chắc đã đúng với thực tế căn nhà. Cho dù bản vẽ đó được thực hiện đo vẽ bởi công ty tư nhân hay nhà nước đều có thể xảy ra sai sót. Nhân viên đến hiện trường đo vẽ cẩu thả, có khi đo xéo thước, ngại xem xét kỹ thực tế nên thông tin có thể bị sai lệch so với thực tế khá nhiều. Thực tế, đã có trường hợp căn nhà có diện tích nhỏ hơn trên bản vẽ từ 1m2 đến 2m2.

Do đó, khi đi xem nhà bạn nên mang theo thước để đo thực tế hiện trạng căn nhà. Bởi không làm như vậy bạn sẽ có nguy cơ phải trả tiền cho phần diện tích không có. Hơn nữa, nếu phần đuôi nhà nhỏ hơn đầu (nhà tóp hậu) thì căn nhà còn không tốt về mặt phong thủy.

Bản vẽ trên sổ đỏ chưa chắc đã đúng với thực tế kích thước căn nhà
Bản vẽ trên sổ đỏ chưa chắc đã đúng với thực tế kích thước căn nhà

2. Cẩn thận với nhà cũ sơn phết, sửa sang lộng lẫy

Nhiều chủ nhà trước khi xác định bán họ đã cho sửa sang nâng nền, sơn phết và lát gạch căn nhà cũ của mình thật lộng lẫy mục đích là nhằm bán nhà được giá cao. Nếu chỉ là sơn sửa lại nhìn cho bắt mắt thì không đáng nói nhưng có những nhà cũ nát được tân trang lại nhằm che đi khiếm khuyết như tường cũ mục nát, thấm dột, nứt gãy… Vì vậy, nếu người mua chỉ nhìn bề ngoài mà không xem xét cẩn thận thì sẽ rất dễ bị lừa.

Ví dụ điển hình nhất cho trường hợp này đó là vợ chồng chị Đào Thị Nhung. Hai năm trước, anh chị có mua một căn hộ tập thể ở tầng 1 tại quận Hoàng Mai. Lúc mới mua căn nhà của chị trông vô cùng sáng sủa và khang trang vì mới được chủ cũ tân trang lại. Căn nhà được sơn màu kem, toàn bộ chân tường nhà đều được ốp gạch giả gỗ 40X90cm.

Nhưng sau khi mua nhà chỉ 2 tháng, tới mùa nồm ẩm tường nhà anh cứ rơi ra từng mảng, chỗ thì bung rộp lỗ chỗ mặc dù sơn vẫn còn rất mới. Đến lúc này, vợ chồng chị Nhung mới biết hóa ra chủ cũ khi sơn nhà họ thừa biết là tường rất ẩm vì chung cư cũ từ ngày xưa lâu ngày xuống cấp, nền thấp nhưng họ chẳng hề bóc tường ra để chát lại và cứ thế sơn lên bức tường cũ. Kết quả lớp sơn càng dày thì càng khó thoát ẩm từ tường và dẫn đến hiện tượng bong từng mảng.

Tường nhà bị bong tróc vì không được xử lý trước khi sơn
Tường nhà bị bong tróc vì không được xử lý trước khi sơn

Kết quả là bức tường được sơn cẩu thả càng ngày càng tồi tệ, bong tróc khắp nơi rơi vãi xuống nền nhà. Cực chẳng đã, vợ chồng chị đã phải bỏ ra một khoản chi phí nhờ thợ đến làm lại toàn bộ tường nhà, chát lại tường để thật khô sau đó mới sơn.

Song, không phải tất cả nhà mới sửa sang đều có mục đích để che giấu khuyết điểm. Bởi cũng có những căn nhà trước khi bán chủ nhà sơn lại cho mới hơn để bán được giá… Do đó, nếu không rành về kỹ thuật thì bạn có thể nhờ bạn bè, người thân hay chính người môi giới có nhiều kinh nghiệm giúp bạn.

3. Chịu khó đến xem nhà vào nhiều thời điểm khác nhau

Khi ưng một căn nhà nào đó bạn hãy xem nhà vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày hoặc trong tháng để chắc rằng bạn có thể thích nghi với ngôi nhà trong mọi thời điểm. Bởi nếu bạn đến xem nhà vào những ngày đẹp trời do chủ nhà hẹn, họ sắp xếp thật chu đáo, sạch sẽ, gọn gàng, tiếng nhạc dịu êm..., nhưng rất có thể khi đêm về, hàng xóm sinh hoạt hay nhà máy kế bên hoạt động gây ồn làm phiền gia đình bạn...

Ngoài ra, bạn cũng cần hỏi han hàng xóm hay những quán trà đá vỉa hè gần đó. Đấy là nguồn thông tin thiết thực, chính xác và hết sức cần thiết để bọn có được ưu điểm và nhược điểm của căn nhà mình định mua.

(Theo Trí thức trẻ)