Nhiều gia đình muốn đặt nơi thờ cúng ở tầng 1 cho ấm cúng, tiện đi lại nhưng
sợ không hợp phong thủy. Ảnh minh họa: Quang Dam.
Theo KTS Phan Hải Hà, gia đình chị Nhiên hoàn toàn có thể bố trí không gian thờ cúng trang trọng ở tầng 1. Bởi trong ngôi nhà truyền thống 3 hoặc 5 gian trước đây của người Việt, phòng thờ thường được nằm ở gian giữa cũng là chỗ tiếp khách, ngồi ăn. Không gian này không nằm tách biệt mà gắn liền với sinh hoạt của gia đình.
Hiện nay, do việc xây nhà phố kiểu mới nên phòng thờ được tách biệt hoàn toàn khỏi hoạt động chung của các thành viên. Cách bố trí này có nhiều ưu điểm như đảm bảo sự yên tĩnh, trang trọng cho khu vực thờ cúng. Hơn nữa, việc thắp hương ngoài trời, hóa vàng trên sân thượng trong một số dịp lễ tết cũng thuận lợi.
Song, tùy vào điều kiện từng gia đình, không nhất thiết phải bố trí phòng thờ trên tầng cao nhất. Bạn có thể bố trí nơi thắp hương ở tầng 1, trong phòng khách (nếu nhà chật) hoặc ở một phòng bên cạnh. Người cao tuổi trong nhà cũng có thể dễ dàng thắp hương khói, còn người trẻ thường xuyên qua lại giúp phòng không bị lạnh lẽo.
Gia chủ cần lưu ý một số điểm dưới đây khi bố trí phòng thờ ở tầng 1:
- Không bố trí phòng thờ nằm cạnh hoặc dưới nhà vệ sinh, bếp tầng 2. Trường hợp trên tầng là phòng ngủ thì giường và bàn thờ cần kê lệch vị trí.
- Phòng thờ cần có cửa sổ mở ra giếng trời hoặc sân để có sự thông thoáng, hương khói không bị tụ lại.
- Nên đặt bàn thờ ở nơi kín gió, tránh xa cửa sổ để không động bát hương.
- Tránh đặt bàn thờ đối diện cửa ra vào, khiến gió lùa và người đứng thắp hương có tâm lý bất an, khó tập trung khi khấn vái.
- Nên thiết kế phòng thờ tối giản, có thể bố trí một bộ bàn ghế để ngồi. Nội thất phòng thờ nên sử dụng gỗ tông màu trầm, tranh ảnh trang trọng nên treo theo bộ. Đặc biệt, chủ nhà nên thường xuyên dọn phòng sạch sẽ, gọn gàng.