Trả lời:
Chủ sở hữu có toàn quyền định đoạt những tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình, nhưng vì vợ chồng người anh ruột của bạn đang định cư tại Mỹ nên bạn cần lưu ý những trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, theo quy định tại Luật số 34/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai:
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:
a- Người có quốc tịch Việt Nam;
b- Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.
2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b, khoản 1 được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.
Như vậy, nếu vợ chồng anh ruột của bạn thuộc trường hợp trên thì vợ chồng bạn có thể làm hợp đồng tặng cho nhà ở, sang tên cho vợ chồng người anh. Thủ tục tặng cho nhà được lập tại các phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng.
Nếu anh ruột bạn không thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì vợ chồng bạn chưa thể tiến hành thủ tục tặng cho nhà ở mà chỉ có thể tặng bằng hình thức lập di chúc để lại nhà cho vợ chồng người anh.
LS Lê Nguyễn Thuyền Quyên (Đoàn Luật sư Tp.HCM)