Đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ nhưng nhiều ý kiến trong cộng đồng khởi nghiệp vẫn tỏ ra mơ hồ về một sàn chứng khoán của riêng họ. Trao đổi với VnExpress, ông Đỗ Hoài Nam, sáng lập viên Up Co-working Space, người cũng từng thành công khi sáng lập Emotiv System, cho rằng khả năng kêu gọi vốn cho start-up qua sàn chứng khoán là không khả thi.
"Khi đưa lên sàn chứng khoán sẽ phải có những quy định về luật pháp để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư. Tất cả những điều kiện đó hầu như các start-up không thể đáp ứng được. Nếu đáp ứng được họ đã lên sàn niêm yết chứng khoán chính thức để gọi vốn rồi", ông Nam nói.
Theo nhiều chuyên gia chứng khoán, hầu như không nhiều start-up đủ điều kiện để lên sàn chứng khoán. |
Cũng nhiều start-up cho rằng để được đáp ứng các điều kiện của sàn chứng khoán này hoặc khi nó vận hành thì cũng mất vài năm. Đồng nghĩa với nó là ý tưởng có thể đã "chết" trước khi tiếp cận được vốn. Hơn nữa, trong 100 start-up, chỉ có một vài cái thành công. Do vậy, không dễ để bán được những cổ phiếu start-up kiểu này nếu đưa lên sàn.
Ông Chử Đức Hoàng - sáng lập kiêm CEO của Zinmed cho rằng thời điểm 3 năm tới chưa phù hợp để triển khai sàn chứng khoán cho các doanh nghiệp start-up bởi thị trường Việt chưa sẵn sàng với những thay đổi này. Theo vị này, vốn mồi ban đầu cho các doanh nghiệp start-up ở Việt Nam thường rất nhỏ, chỉ chưa đến 10% so với Hàn Quốc. Bên cạnh đó, sáng lập viên của Zinmed cũng đánh giá trình độ quản lý công nghệ, đánh giá công nghệ của Việt Nam còn bất cập và chưa đi sâu vào thực tế. "Việc xác định giá trị cho doanh nghiệp start-up vốn đã khó, với start-up Việt Nam còn khó hơn. Khi không rõ ràng về giá trị thì rất khó đưa thông tin công ty lên sàn".
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng giám đốc Công ty cổ phần StoxPlus, đơn vị chuyên cung cấp thông tin chứng khoán và dữ liệu doanh nghiệp - cũng cho rằng mô hình sàn chứng khoán không phù hợp để gọi vốn cho start-up. Bởi theo ông, dân start-up có ý tưởng rất tốt nhưng 'ý tưởng không phải là hàng hóa' nên rất khó để bán được. "Chưa kể, trên thị trường chứng khoán chính thức, nhiều tài sản tốt như hiện nay còn chưa có người mua", ông nói.
Thay vào đó, đại diện của StoxPlus và nhiều chuyên gia nhìn nhận, start-up Việt Nam phù hợp nhất với mô hình gọi vốn kiểu 'crowdfunding'. Crowdfunding là hình thức tài trợ đám đông, gây vốn từ cộng đồng, hay nói cách khác là hình thức cộng đồng chung tay góp vốn cho một ý tưởng để thực hiện. Ví dụ khi thích một ý tưởng bạn có thể bỏ bữa ăn 20 USD hay một khoản mua sắm nào để hỗ trợ góp vốn. Mô hình này đã có trên thế giới hơn chục năm nay và ở một số nước như Mỹ, khá nhiều mô hình crowdfunding đã kêu gọi vốn tốt.
Trong bối cảnh thương mại điện tử, hạ tầng thanh toán điện tử phát triển như hiện nay, ông Thuân cho rằng đây là thời điểm chín muồi để triển khai cách làm này. "Tuy nhiên, các bạn khởi nghiệp dù rất thông minh, nhiều ý tưởng hay nhưng lại thiếu kỹ năng thuyết trình để hấp dẫn nhà đầu tư, công chúng. Vì vậy, theo tôi Chính phủ nên đứng ra bảo lãnh và hỗ trợ họ thay vì lập một sàn chứng khoán hay yêu cầu các ngân hàng bơm vốn cho khởi nghiệp", ông Nguyễn Quang Thuân cho biết.
Ông Đỗ Hoài Nam, người hiện cũng là một trong những "nhà đầu tư thiên thần" cho các dự án khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay, cũng cho rằng với các start-up, điều cần nhất là để làm cho chất lượng con người, dự án khởi nghiệp đó tăng lên chứ không phải là vốn. "Khi số dự án chất lượng còn quá ít, thay vì nêu ra những ý tưởng về một sàn chứng khoán hoành tráng, Chính phủ nên tập trung hoàn thiện khung pháp lý để vừa bảo vệ được nhà đầu tư và hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp", ông nói.
CEO của Zinmed cũng đồng tình với quan điểm này. Theo ông, lựa chọn tiên quyết để giúp các start-up phát triển là Chính phủ nên thúc đẩy cải cách chính sách và hoàn thiện hệ sinh thái đầy đủ đúng nghĩa của nó. Trong đó, ông Chử Đức Hoàng cho rằng luật và chính sách cần thông thoáng trong khi kỹ năng cho các start-up cũng cần được đào tạo, nâng cao nhiều hơn nữa.
Thanh Thanh Lan