Thông tin quy hoạch

Quy hoạch Hà Nội đang bị 'băm nát' như thế nào?

06/01/2017

Vào ngày 29/12 mới đây, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Không có lý thuyết quy hoạch nào cho phép xây chung cư 50 tầng như ở Giảng Võ (Hà Nội). Trẻ con, người dân cần có nhiều công viên, vườn hoa, không gian công cộng… nếu cứ xây chung cư cao tầng trong nội đô thì ai sẽ ra các khu ven đô, khu đô thị vệ tinh?”.

Gần đây nhất, khi làm việc với Sở Quy hoạch kiến trúc vào chiều ngày 4/1, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng phải thừa nhận thủ đô đang phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát.

Vậy hiện nay quy hoạch Hà Nội đang bị băm nát như thế nào? Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ online, chỉ riêng việc xây dựng chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố cũng đã thấy có rất nhiều bất cập.

Phố Nguyễn Huy Tưởng có mật độ xây dựng chung cư quá dày đặc trong khi
hạ tầng giao thông xung quanh không đáp ứng nổi. Ảnh: Việt Dũng

'Nhồi' chung cư cao tầng trong ngõ nhỏ

Quan sát các tuyến đường như Hoàng Đạo Thúy, Lê Văn Lương, Hoàng Minh Giám sẽ thấy những tòa chung cư cao tầng với quy mô vài trăm căn hộ mọc lên như nấm trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Hữu Chính, một người dân ở nhà N5D, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, cho biết: “Các tuyến đường quanh khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính vẫn không thay đổi, nhưng tốc độ xây dựng nhà cao tầng ở đây thuộc khu vực phát triển nhanh nhất Hà Nội, khiến cho các tuyến đường Lê Văn Lương, Hoàng Minh Giám giờ cũng trở thành những điểm nóng về ùn tắc giao thông”.

Tại quận Thanh Xuân, các tuyến đường như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng dù nhiều năm qua không có một mét đường nào được mở rộng thêm nhưng lại có hàng chục khu nhà cao tầng được cấp phép xây dựng sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Ngay tại đầu đường Nguyễn Huy Tưởng, mặc dù lòng đường chỉ rộng ngót 10m, nhưng trên khu đất của nhà máy sản xuất thiết bị chiếu sáng sau khi được di dời đã trở thành địa điểm xây dựng năm tòa chung cư cao từ 17-21 tầng với quy mô hàng nghìn căn hộ.

Cũng trên đường Nguyễn Huy Tưởng, trong một ngõ nhỏ tại địa chỉ 60B hiện cũng có đến 3 khối nhà chung cư cao 20 tầng đang được xây dựng. Gần đó là một khu chung cư cao tầng khác với quy mô 20 tầng đã được xây dựng cách đó 3 năm.

Tình trạng xảy ra tương tự tại đường Vũ Trọng Phụng nằm tiếp giáp đường Nguyễn Huy Tưởng. Những năm gần đây, con đường này cũng không có thêm mét nào được mở rộng và là tuyến đường chỉ đủ tổ chức một chiều cho ôtô nay còn phải gánh thêm những khu nhà chung cư mới.

Tại địa chỉ 47 Vũ Trọng Phụng, một khu chung cư cao 20 tầng được xây dựng và không lâu sau đã kín dân về ở.

Ngay cạnh đó, tại địa chỉ số 67 Vũ Trọng Phụng, người dân sinh sống tại đây cho biết, trước kia khu đất này là xưởng phim, nhưng khi xưởng phim không còn, thì ngay lập tức khu tổ hợp chung cư Rivera Park Hà Nội với chiều cao 24 tầng đã được cấp phép xây dựng.

Tuyến đường Vũ Trọng Phụng (Q.Thanh Xuân) là tuyến tắc nghẽn về giao thông khi lòng đường có đoạn chỉ rộng khoảng 10m, chỗ rộng nhất chưa đến 20m.

Ông Nguyễn Đức Tính, một người dân có nhà trong phố Nguyễn Huy Tưởng, bức xúc cho biết: “Đường Vũ Trọng Phụng xuyên ra đường Nguyễn Trãi cũng thường xuyên ùn tắc, đoạn xuyên ra Khuất Duy Tiến cũng tương tự, vậy mà cứ có đất trống là lại thấy nhà cao tầng mọc lên. Mỗi tòa nhà là thêm vài trăm căn hộ, thêm vài nghìn dân” -

Điều đáng nói là không chỉ đất trống ở các tuyến đường được cho phép xây dựng nhà cao tầng mà ngay cả đất nằm trong các tuyến phố nhỏ cũng được cấp phép xây chung cư cao tầng.

Đơn cử, tại số 4 phố Chính Kinh, tuyến phố rộng chưa đến 5m, ùn tắc thường xuyên xảy ra, nhưng hiện nay đã hình thành tòa nhà chung cư đang hoàn thiện phần xây thô với chiều cao 20 tầng.

Tương tự tại tuyến đường Kim Giang - một điểm nóng thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, khu đất ở số 2 Kim Giang vốn trước kia là đất của cơ sở sản xuất đệm mút, nhưng nay cơ sở này đã được di dời về Hưng Yên nhường vị trí cho bốn khối nhà chung cư cao từ 26-33 tầng.

Thậm chí tại địa bàn quận Tây Hồ, tuyến đường Thụy Khuê gần đây cũng phải gánh vác thêm các khu nhà cao tầng khiến cho ùn tắc giao thông trở thành vấn đề 'đến hẹn lại lên'.

Tại lối rẽ từ phố Thụy Khuê vào khu chung cư Golden Westlake, ùn tắc giao thông diễn ra triền miên cả sáng lẫn chiều.

Ngay trên tuyến phố Thụy Khuê, cách khu chung cư trên chỉ vài trăm mét là khu đất của xí nghiệp xe điện tại số 69 Thụy Khuê. Nay xí nghiệp này đã di dời, 1,5ha đất trống cũng đã được đồng ý cho xây dựng tổ hợp chung cư với quy mô 500 căn hộ. Dự án này đang cấp tập thi công ngày đêm.

Lê Văn Lương là một trong những tuyến phố có mật độ xây dựng chung cư quá dày đặc. Ảnh: Việt Dũng

Giao thông quá tải vì chung cư

Bức xúc trước việc đất cơ sở sản xuất sau khi di dời là được thế chỗ bằng chung cư cao tầng, đại biểu Nguyễn Hoài Nam - trưởng Ban pháp chế HĐND TP.Hà Nội - từng đưa nội dung này ra chất vấn lãnh đạo thành phố.

Ông Nam, cho rằng ở những khu vực thường xuyên ùn tắc mà xây thêm chung cư thì dân số sẽ tăng lên, khiến cho tình trạng quá tải giao thông càng trở nên trầm trọng.

Ông Hoàng Huy Được, đại biểu HĐND Tp.Hà Nội, cũng cho rằng việc xuất hiện hàng trăm khu nhà cao tầng đã khiến cho hạ tầng giao thông quá tải. Việc phát triển quá nhiều nhà cao tầng khiến người ta hoài nghi giữa quy hoạch giao thông và quy hoạch nhà ở có kết nối với nhau không, hay mạnh ai nấy làm, ông Được băn khoăn.

Cũng theo ông Được, giải pháp giải quyết ùn tắc thì còn rất xa, còn ùn tắc thì đang diễn ra, và nguyên nhân của mọi nguyên nhân là cho xây nhiều nhà cao tầng trong nội đô.

Trong một văn bản trả lời chất vấn của các thành viên Ban pháp chế, Ban kinh tế ngân sách HĐND Tp.Hà Nội về việc xây dựng nhà cao tầng, Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội cho rằng các dự án khu đô thị nhằm giải quyết các nhu cầu phát triển đời sống kinh tế xã hội và đô thị.

Theo đó, sở này lý giải, số liệu điều tra gần đây cho thấy mỗi năm dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 200.000 người - tương đương một huyện lớn do sức hút của quá trình đô thị hóa.

Còn ông Lê Vinh - giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội, cho biết hiện chỉ có khoảng 14% dân số Hà Nội đang sinh sống ở các tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, ông Vinh cũng thừa nhận có thực tế là tốc độ phát triển nhà ở cao hơn nhiều so với phát triển hạ tầng giao thông.