Phong thủy

Phương pháp hóa giải sát khí để phòng vệ sinh hợp phong thủy

24/12/2016

Đặc biệt, những căn hộ hoặc khách sạn có thiết kế phòng vệ sinh cùng không gian với phòng ngủ lại càng phải hết sức chú ý, để giữ gìn sức khỏe cũng như giúp vượng khí gia trạch…

Trong căn hộ khép kín hoặc nhà phố chật hẹp, phòng vệ sinh chính là nơi ẩm thấp nhất. Sát khí của nó chủ yếu thuộc “âm sát”, có thể gây bệnh tật và khiến tài vận của gia chủ suy bại. Theo thuyết Đông y, âm sát là thứ chủ về huyết, thường gây ra các bệnh về tì, thận và hệ tiêu hóa. Một trong những biểu hiện ban đầu dễ nhận thấy của những người sống trong căn hộ bị âm sát thường là mất ngủ, ngủ dậy thấy mệt mỏi và da dẻ bủng xám, thiếu sức sống…

Để khu trừ âm sát, trước hết phải đảm bảo phòng vệ sinh luôn được khô ráo, sáng sủa (nếu bố trí cửa để có ánh nắng chiếu rọi càng tốt) và thông gió. Tuy nhiên, không thể lúc nào chúng ta cũng có thể “khư khư” giữ gìn khu vực này khô ráo, sạch sẽ được, do đó ảnh hưởng của sát khí là điều không thể tránh khỏi.

Phòng vệ sinh cần được đặt đúng vị trí, phương hướng và giữ gìn sạch sẽ để có phong thủy tốt

Muốn hóa giải triệt để âm sát trong nhà vệ sinh, ngay từ đầu phải tuân thủ các nguyên tắc về vị trí thiết kế, phương hướng cũng như sự hợp lý trong lắp đặt các  loại thiết bị vệ sinh… Cụ thể như sau:

- Về vị trí: Phòng vệ sinh tuyệt đối không nên thiết kế ở chính giữa căn hộ, vì đây là vị trí của ngôi “thái cực” - hội tụ vượng khí, có ảnh hưởng toàn diện đến vận khí của cả gia đình.

Mặc dù sự phát triển của công nghiệp vật liệu xây dựng có thể “đánh lừa cảm giác”, khiến chúng ta lầm tưởng những phòng vệ sinh ở chính giữa căn hộ vẫn “có thể chấp nhận được”. Nhưng xét về quy luật trao đổi khí, âm khí luôn chiếm vị thế áp đảo ở thái cực của căn hộ và thường xuyên tán phát vào các khu vực lân cận.

Xét về tương quan với cửa chính và hướng nhà, không nên đặt phòng vệ sinh ở vị trí quan sát để tránh tình trạng “mở cửa thấy phòng vệ sinh” đồng thời chặn âm khí xâm chiếm cửa - vốn là nơi đón sinh khí của căn hộ. Dương khí (nhẹ và tán) từ cửa chính gặp phải âm khí phòng vệ sinh sẽ bị hao tán, một khi sinh khí không tụ thì gia chủ cũng bất vượng.

Không nên thiết kế phòng vệ sinh ở hai đầu hành lang, vì trong phong thủy, hành lang chính là “kênh dẫn thủy” của cả tòa nhà hoặc từng căn hộ. Thủy khí (quản về tài lộc) nếu bị ô nhiễm sẽ khiến tài vận suy bại.

Cũng không nên thiết kế phòng vệ sinh tại các cung gồm Tý, Ngọ, Mão, Dậu (thuộc tứ chính) và Càn, Tốn, Cấn, Khôn (thuộc tứ ngung) đặc biệt là phải tránh vùng quỷ môn (Đông bắc - Tây nam). Nếu phòng vệ sinh phạm phải tứ chính thì học tập không tiến bộ, quan vận không hanh thông; nếu phạm tứ ngung thì con cháu ngỗ ngược, gia đạo phá bại; nếu phạm quỷ môn thì trạch vận thăng trầm, tổn hại người phụ nữ trong gia đình.

Những nơi tiện thoát nước, thoáng gió và cách biệt các phòng lân cận là nơi nên chọn đặt phòng vệ sinh. Trường hợp diện tích nhỏ hẹp, hình dáng bó buộc thì cũng có thể thiết kế phòng vệ sinh cùng khu vực với phòng bếp, phòng ngủ… nhưng nhất thiết giữa hai phòng phải có tường ngăn đồng thời cửa phòng phải kín.

- Về phương hướng: Những hướng thích hợp với phòng vệ sinh gồm Thìn, Tị, Bính, Đinh, Canh, Tân, Tuất, Hợi, Nhâm, Quý, Giáp và Ất. Vị trí đối xứng với các hướng này có thể chọn để đặt bể phốt hoặc bệ xí trong phòng vệ sinh.

Khi thiết kế phòng vệ sinh, hãy lấy vị trí trung tâm của nền nhà làm điểm thái cực từ đó xác định vị trí của các hướng nêu trên. Với những căn hộ nằm trong tòa chung cư thì phải lấy tâm của nền móng chung cư làm điểm thái cực, từ đó xác định phương hướng. Nếu phòng vệ sinh của những căn hộ nằm về phía Bắc, Nam, Đông hoặc Đông nam của tòa nhà thì cửa phòng nên quay ra các hướng là Thìn, Tị, Bính, Đinh, Nhâm, Quý, Giáp và Ất.

Phòng vệ sinh của các căn hộ nằm ở phía Đông bắc, Tây bắc, Tây hoặc Tây nam thì phù hợp với các hướng còn lại, gồm Canh, Tân, Tuất và Hợi.

- Về thiết bị vệ sinh: Với các phòng vệ sinh có cửa phòng ở hướng Thìn, Tị, Bính, Đinh, Nhâm, Quý, Giáp hoặc Ất… thì nên đặt bồn cầu, bệ xí tại các vị trí gồm: Canh, Tân, Tuất, Hợi. Ngược lại, với các phòng vệ sinh có cửa ở hướng Canh, Tân, Tuất, Hợi… thì nên đặt bồn cầu, bệ xí tại các vị trí là Thìn, Tị, Bính, Đinh, Nhâm, Quý, Giáp và Ất.

Nếu phòng vệ sinh ở các hướng Thìn, Tị, Bính, Đinh, Nhâm, Quý, Giáp và Ất… thì bồn tắm nên đặt tại một trong các hướng này, lưu ý không để vị trí bồn bị trùng với hướng phòng vệ sinh.

Nếu có thể, hãy đặt bình nóng lạnh ở bên ngoài, cách biệt với phòng vệ sinh - phòng tắm. Theo Đông y hiện đại, cách tắm tốt nhất là dùng vòi hoa sen. Tùy thói quen của từng người, có thể tắm nước nóng hoặc lạnh khác nhau, nhưng tốt nhất là không nên tắm trong các phòng tắm kiểu “xông hơi”. Vì tắm nước se lạnh sẽ có tác dụng rèn luyện sức chịu đựng của cơ thể, phòng ngừa bệnh tật, nhất là bệnh cảm cúm. Bí quyết khỏe mạnh, sống lâu là nên tắm nước nóng (ấm) trước rồi sau đó mới “tráng qua nước lạnh” trước khi lau mình và ra khỏi phòng tắm.

Nếu biết kết hợp tốt các nguyên tắc nêu trên của phong thủy sẽ giúp hóa giải các sát khí cho phòng tắm - phòng vệ sinh đồng thời còn giúp không gian này thực sự trở thành nơi “thư giãn” hiệu quả của mỗi người sau một ngày dài làm việc, lao động vất vả.