Một đoạn đường Hồ Chí Minh (Ảnh: Internet)
Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh là công trình quan trọng quốc gia đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư từ cuối năm 2004. Tuyến đường có chiều dài là 3.183 km, tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km. Điểm đầu của dự án là tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau).
Dự kiến, đến năm 2020, các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe sẽ được hoàn thành. Sau năm 2020, các đoạn tuyến sẽ được nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cao tốc để phù hợp với quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020.
Về nguồn vốn thực hiện dự án, theo Chính phủ, tính đến hết tháng 9/2016, đã huy động được tổng số 50.412 tỉ đồng. Trong đó, 22.322 tỉ đồng là vốn từ ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ đã được bố trí đến hết tháng 9/2016, 18.588 tỉ đồng là nguồn vốn của các dự án BOT, BT đã huy động được, 9.502 tỉ đồng là vốn ODA.
Giai đoạn 1 của dự án được khởi công xây dựng từ năm 2000 đến năm 2007, đã hoàn thành đoạn đường dài khoảng 1.350 km từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum). Từ cuối năm 2008, các dự án thành phần thuộc giai đoạn 2 được triển khai xây dựng để nối thông toàn tuyến với chiều dài khoảng 1.394 km, trong đó không gồm các đoạn đi trùng đã và đang được đầu tư bằng các dự án khác. Cho đến nay, dự án đã thi công hoàn thành khoảng 772,5 km/1.394 km tuyến chính, đạt 55,4%.
Những đoạn tuyến thuộc giai đoạn 1 và giai đoạn 2 được đưa vào khai thác về cơ bản đều đảm bảo chất lượng. Những đoạn tuyến này cũng đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá đạt yêu cầu và chấp thuận nghiệm thu để đưa vào khai thác sử dụng.
Về kế hoạch trong năm 2017, theo báo cáo của Chính phủ, dự án Cam Lộ - La Sơn sẽ khởi công theo hình thức BT, dự án Chơn Thành - Đức Hòa sẽ khởi công theo hình thức BOT; nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư dự án Đoan Hùng - Chợ Bến (dài 130km với tổng mức đầu tư 16.216 tỉ đồng) từ hình thức BOT sang hình thức BOT kết hợp nguồn vốn Nhà nước như vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ hoặc ODA vì tổng mức đầu tư lớn khó có khả năng hoàn vốn.
Cũng trong thời gian tới, tiến hành nghiên cứu phương án huy động nguồn lực để đầu tư phần còn lại của đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận và đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn.
Chính phủ khẳng định rằng, các dự án thành phần đều được triển khai theo đúng trình tự, thủ tục, không làm tăng tổng mức vốn đầu tư, không gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng. Điều này đã được Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và thanh tra của các bộ, ngành kết luận.