Nếu bỏ lãi suất cơ bản, tiến trình tự do hóa lãi suất của các ngân hàng (NH) sẽ đến gần và lãi suất thực tế của hệ thống thực chất hơn, sát với thị trường hơn và ngược lại. Hiện nay, Bộ Luật Hình sự quy định tội cho vay nặng lãi, Bộ Luật Dân sự quy định có lãi suất cơ bản (LSCB) với mức cho vay nếu vượt quá 150% là phạm tội cho vay nặng lãi. Còn Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định có LSCB nhưng Luật Các tổ chức tín dụng lại cho phép các bên thỏa thuận lãi suất.
Một mình một chợ
Tại dự thảo Bộ Luật Dân sự sửa đổi trình Quốc hội, cơ quan soạn thảo đề xuất vẫn giữ nguyên quy định lấy cơ sở để xác định trần lãi suất vay là LSCB, chỉ nới khung thêm 50%. Cụ thể là luật hiện hành quy định “lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của LSCB do NHNN công bố”, còn dự thảo luật sửa đổi quy định “trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo LSCB do NHNN công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) nên điều chỉnh theo hướng quy định LSCB trong luật này không áp dụng đối với hệ thống ngân hàng.
Vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc nên giữ hay bỏ lãi suất cơ bản Ảnh: TẤN THẠNH
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu, trên thế giới không có khái niệm LSCB. Hệ thống NH trung ương trên thế giới chỉ tồn tại phổ biến 3 loại lãi suất: lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và lãi suất qua đêm. Nếu Việt Nam vẫn để khái niệm LSCB thì sẽ giải quyết thế nào khi có những vụ việc liên quan tới luật pháp của các nước khác?
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng LSCB không chỉ là công cụ quan trọng của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ mà còn là tham chiếu cần thiết liên quan đến quy định của Bộ Luật Dân sự về cho vay nặng lãi.
Đại diện TAND Tối cao đưa ra quan điểm cần phải có LSCB để điều chỉnh chính sách liên quan đến lãi suất, làm cơ sở giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp, tránh để xảy ra cho vay nặng lãi hoặc lợi dụng điều này nhằm trốn thuế. Cùng quan điểm, Bộ Tư pháp cho rằng do giá trị đồng tiền của Việt Nam không ổn định nên Bộ Luật Dân sự phải quy định về LSCB, tránh sự bắt bí nhau trong các quan hệ dân sự.
Có cũng như không
Trong khi vấn đề giữ hay bỏ LSCB đang còn nhiều tranh cãi thì trong thực tế, công cụ điều hành này đã bị thị trường “vô hiệu hóa” từ lâu.
LSCB được quy định bởi Luật NHNN. Luật này có hiệu lực từ năm 2008 nhưng phải đến năm 2010, cơ quan có thẩm quyền mới xác định LSCB để thực hiện. Một chuyên gia NH phân tích trong giai đoạn 2000-2007, vai trò của LSCB rất mờ nhạt, thậm chí lạc lõng khi diễn biến trái chiều với lãi suất kinh doanh của các NH.
Đến năm 2008, lạm phát gia tăng phi mã, kinh tế suy giảm, thị trường tiền tệ bất ổn với mức lãi suất huy động/cho vay lên đến hơn 20%, NHNN mới sử dụng công cụ này để ổn định thị trường. Từ năm 2009 đến nay, NHNN không công bố LSCB, chỉ khi đơn vị nào có vấn đề vướng mắc gửi văn bản đến hỏi NHNN thì được trả lời vẫn áp mức LSCB như trước năm 2009, tức là 9%/năm cho dù trong thực tế, diễn biến lãi suất đã thay đổi rất nhiều.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế - Hiệp hội NH, phân tích với tình trạng có cũng như không hiện nay, nên bỏ LSCB trong Bộ Luật Dân sự để tiến tới lộ trình thực hiện tự do hóa lãi suất của hệ thống NH như chủ trương đã đề ra. Bởi trong thực tế, lãi suất NH có thời điểm cho vay tới 30%/năm nhưng vẫn không bị cơ quan quản lý tuýt còi và về phía người vay cũng không ai khởi kiện cho vay nặng lãi.
Nếu chỉ nới từ mức cho vay bằng 150% LSCB lên 200% hay lên 250% như đã từng đề xuất trước đây cũng không thể khiến thị trường tiền tệ được linh hoạt vì “chiếc áo” LSCB đã trở nên quá chật. “LSCB không có ý nghĩa kinh tế, mang nặng tính hành chính và chỉ phù hợp với giai đoạn thị trường không ổn định. Nếu quay lại cơ chế trần lãi suất sẽ là bước lùi trong quá trình tiến tới tự do hóa lãi suất” - LS Trương Thanh Đức nói.