Thế giới kiến trúc

Kiến trúc giao thoa Hoa - Việt của thủ lĩnh người Mèo

28/11/2016

Dinh Nhà Vương là một điểm dừng chân thú vị khi ghé thăm cao nguyên đá. Diện tích dinh thự là 1.120 m2 xây dựng trên thung lũng Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang). Con đường dẫn vào khu nhà Vương là hàng cây sa mộc thẳng đứng, xanh mướt quanh năm. Các cây sa mộc này được mang Trung Quốc về, trồng bên ngoài tường thành.

Xung quanh nhà Vương được bao bọc bởi 2 vòng tường thành đá, cao khoảng 3 m, có những lỗ châu mai.

Tường thành gồm những phiến đá khít nhau, xếp thành vòng tròn bao quanh khuôn viên nhà. Những bức tường đá
là nét đặc trưng trong văn hóa người H'Mông ở Hà Giang.

Lối dẫn vào nhà Vương là 15 bậc đá gồm những phiến đá lớn, vuông vức, được chạm khắc nhiều kiểu hoa văn.

Cổng nhà cong, uốn lượn với những cánh dơi - biểu tượng cho chữ "phúc". Mái cổng bằng gỗ được chạm khắc
tinh xảo, với nhiều kiểu hoa văn. Trải qua gần 100 năm, những chi tiết được đục đẽo thanh mảnh vẫn chưa
hề mục nát.

Trước nhà treo bức hoành phi gồm bốn chữ Biên Chính Khả Phong, có thể hiểu là sắc phong cai trị miền biên cương.

Nhà Vương được xây dựng bằng nguyên liệu đá xanh, gỗ thông và ngói đất nung. Ngôi nhà được chia thành tiền dinh,
trung dinh và hậu dinh với 4 nhà ngang, 6 nhà dọc. Tất cả đều được dựng 2 tầng, với tổng cộng 64 buồng.

Nhà xây cao dần từ ngoài vào trong, tính đến khu hậu dinh đã cao hơn cổng chính vào nhà khoảng 10 m.
Giữa các gian nhà là những sân rộng, được lát đá phiến.

Theo tính toán của chủ nhà, các phòng trong cấp nhà đầu tiên dành để tiếp dòng họ, quân dân địa phương. Cấp nhà thứ 2 là nơi ở của 3 bà vợ, con cái, người hầu hạ. Cấp nhà thứ 3 là phòng nghỉ và bàn công việc của Vương Chính Đức - chủ nhân của ngôi nhà. Chính nơi đây, ông Đức xét xử tội phạm hay bàn những phi vụ buôn thuốc phiện lớn.

Trong khuôn viên dinh còn có cả kho lương thực, kho thuốc phiện, kho vũ khí. Hệ thống mái xếp chồng lên nhau,
đặc trưng kiến trúc đời nhà Thanh, Trung Quốc.

Ngay từ khi xây nhà này, cụ Vương Chính Đức đã tính toán nó là pháo đài, có khả năng phòng vệ và chiến đấu, chịu được thời gian, thiên nhiên. Ngôi nhà xây bằng đá xanh vĩnh cửu, gỗ thông núi đá rất cứng và chống mối mọt tốt. Ngói máng âm dương màu ghi xanh có thể chống được mưa đá to - kiểu thời tiết khắc nghiệt ở đây.

Nhà Vương có mái lợp ngói máng, hiên nhà lợp ngói ống trang trí hoa văn hình chữ "thọ".

Cửa bằng gỗ thông, được chạm khắc hoa văn độc đáo. Ngoài những bông hoa đào, dễ nhận thấy trên
mỗi cánh cửa là một bông hoa thuốc phiện to.

Những chân cột nhà bằng quả cầu đá, hình quả anh túc. Tương truyền, những thợ giỏi nhất ở Vân Nam thời đó chạm khắc rồi dùng bạc trắng mài cho bóng chân cột nhà, thành màu đồng thau cho giống quả anh túc khô. Có thể thấy trong ngôi nhà có nhiều kiểu kiến trúc, hoa văn hình loài hoa anh túc.

 

Những chân cột khác cũng bằng đá xanh và được vẽ hoa văn hình con hổ, rồng phượng...

Bể tắm sữa dê bằng đá của Vương Chính Đức, được đục đẽo thành hình bán nguyệt.

Trong khu dinh thự còn giữ lại một số vật dụng thường ngày của gia đình họ Vương như bàn thờ,
tủ quần áo, bàn làm việc, bàn ăn, cối giã gạo...

Hai chòi gác bằng đá đều có lỗ châu mai. Đứng từ đây có thể quan sát tứ phía, dễ dàng phát hiện và chiến đấu
khi có kẻ xâm nhập.

Ngoài hệ thống nhà chính, còn có một số khu nhà tách biệt như khu vệ sinh, nhà kho, chuồng bò, chuồng ngựa. Đặc biệt, nhà Vương có một bể lớn, dung tích 300 m3, hứng nước mưa đủ dùng quanh năm. Theo một số tài liệu, số tiền chi cho toàn bộ khu nhà hết 15.000 đồng bạc trắng, trong đó riêng bể nước tốn hết 700 đồng bạc trắng.

Năm 1993, nhà Vương được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật. Đến năm 2004, Nhà nước đã chi 7,5 tỷ để trùng tu toàn bộ di tích. Việc trùng tu được tiến hành trên nguyên tắc bảo tồn.Ngày nay, nhà Vương trở thành một điểm tham quan không thể bỏ qua với những du khách yêu mến mảnh đất Hà Giang, địa đầu Tổ Quốc.