Tại lễ công bố Quy hoạch và khởi công Dự án Hồ Núi Cốc tổ chức tại xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL đã công bố Quyết định của Thủ tướng về Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch (KDL) quốc gia Hồ Núi Cốc.
Theo đó, vùng lõi của KDL có diện tích 1.200 ha (không bao gồm diện tích mặt nước) nằm trên địa bàn của 10 xã, thị trấn thuộc TP. Thái Nguyên, TX Phổ Yên và huyện Đại Từ. Mục tiêu đến năm 2030, KDL quốc gia Hồ Núi Cốc sẽ trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn của quốc gia, mỗi năm đón khoảng 4 triệu lượt khách du lịch với tổng thu khoảng 2.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 2.800 lao động…
Để hiện thực hóa Quy hoạch, trước đó, tỉnh Thái Nguyên đã chấp thuận để Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường thực hiện Dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng.
Tại buổi lễ công bố, tỉnh Thái Nguyên và Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã tổ chức lễ động thổ, khởi công hạng mục đường Hồ Núi Cốc có chiều dài 9,5km nối từ trung tâm TP. Thái Nguyên vào KDL.
Cũng tại buổi lễ, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hoạt động xúc tiến, ký kết hợp tác đầu tư với 10 doanh nghiệp trong nước và của tỉnh với tổng vốn đăng ký thực hiện các dự án lên tới hơn 45.000 tỷ đồng.
Trao giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư tại lễ công bố
Cách đây hơn 5 năm, ngày 25/6/2011, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức lễ công bố Quy hoạch xây dựng Vùng du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đồng thời, trao giấy chứng nhận đầu tư giai đoạn I cho 10 nhà đầu tư với số vốn đăng ký trên 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, “đại công trường” Hồ Núi Cốc sau 5 năm thực hiện với hơn 20 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới chỉ có số ít dự án được triển khai, và trong số ít dự án đã triển khai đó, cũng chỉ mới có một vài hạng mục, công trình được xây dựng và hoàn thành. Do đó, mục tiêu xây dựng TX Núi Cốc của tỉnh Thái Nguyên thời điểm đó không thể trở thành hiện thực.
Sau khi công bố và triển khai quy hoạch phát triển KDL Hồ Núi Cốc (lần 1 vào năm 2011), ngày 10/4/2012, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra Quyết định số 729/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 KĐT phía Tây TP. Thái Nguyên trên diện tích khoảng 1.500 ha và đất phân khu thành 18 mục đích khác như: đất hành chính khu vực và công cộng (77,4ha); đất xây dựng Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh (17,8ha); đất công trình giáo dục (36,4ha); đất công trình văn hóa (95,1ha); đất cây xanh tự nhiên, cây xanh bảo tồn (153,3ha); đất công viên (75,8ha); đất nghỉ dưỡng (62,1ha); mặt nước (40,3ha)…
Theo quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 do Nikken.jp thực hiện, KĐT phía Tây TP. Thái Nguyên là sự tích hợp “3 trong 1” bao gồm: nơi sinh sống của hàng vạn hộ dân; nơi đặt trụ sở làm việc các cơ quan hành chính của tỉnh và nơi nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp mang tầm cỡ quốc gia và khu vực. Điều này được thể hiện rõ khi đơn vị thiết kế đã đặt mục tiêu bảo tồn các làng phù hợp với quy hoạch, giữ lại các công trình tín ngưỡng, tôn giáo như: nhà thờ, chùa,... Tỉnh chủ trương sẽ xây dựng các tòa nhà liên hợp cao tầng làm trụ sở cho khối cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể cấp tỉnh nên không những cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ mà còn tích cực hỗ trợ cho công tác cải hành chính công của tỉnh. Tuy nhiên, do năng lực nhà đầu tư hạn chế, sau nhiều năm, quy hoạch KĐT phía Tây TP. Thái Nguyên vẫn chỉ tồn tại…trên giấy.
Sân vận động mới của tỉnh Thái Nguyên dự kiến sẽ chuyển đến
xây dựng tại phường Quang Vinh, TP. Thái Nguyên
Dựa trên đề xuất của Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 8 và Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc và về Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu theo hình thức PPP, ngày 21/7/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra Văn bản số 2511/UBND-TH về chủ trương giao nhà đầu tư lập đề xuất và ban hành Quyết định số 2635/QĐ-UBND ngày 12/10/2016 phê duyệt Đề án xây dựng hệ thống chống lũ sông Cầu kết hợp hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu theo hình thức PPP (trong đó gồm 09 dự án BT về đường ven sông, kè hai bên sông, đê hai bên sông, xây dựng các cây cầu qua sông, nạo vét lòng sông, mở rộng đập tràn thác Huống, xây dựng các đập dâng giữ nước. Tổng mức đầu tư 09 dự án là khoảng 9.800 tỷ đồng, quỹ đất dự kiến sử dụng dự án thu hồi vốn và dự án BT khoảng 1.500 ha).
Với điều kiện hiện trạng, vị trí, tiềm năng thế mạnh của khu vực, trên cơ sở đề xuất của Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco8 cùng ý kiến tham mưu của các cơ quan liên quan, UBND tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và được thông qua về vị trí xây dựng Sân vận động tỉnh tại phường Quang Vinh, TP.Thái Nguyên và Khu liên cơ quan tỉnh tại xã Đồng Bẩm, TP.Thái Nguyên.
Ngày 25/12/2016, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Lễ Công bố Quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Thái Nguyên đến năm 2035, đồng thời khởi công dự án sông Cầu. Theo đó, TP. Thái Nguyên đến năm 2035 có tổng diện tích trên 22.300 ha, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên hiện có của TP. Thái Nguyên và mở rộng về phía Đông là thị trấn Chùa Hang, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ), xã Linh Sơn và xã Đồng Liên (Phú Bình), phía Bắc là xã Sơn Cẩm (Phú Lương).
Lễ khởi công Dự án sông Cầu
Dự án sông Cầu có 9 dự án thành phần với tổng mức đầu tư theo Quyết định là 18.211 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần để giải phóng mặt bằng là 5.611 tỷ đồng, vốn của nhà đầu tư là 12.611 tỷ đồng.
Với tinh thần khắc phục khó khăn, nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm cao hơn để Quy hoạch đi vào cuộc sống, hiện thực hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Vũ Hồng Bắc phát biểu tại buổi lễ: Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần khẩn trương phổ biến Quy hoạch chung và các dự án một cách sâu rộng tới các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận về nhận thức và quyết tâm cao.
Hai sự kiện nói trên được tổ chức vào thời điểm kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Thái Nguyên, cũng là thời điểm bộ máy mới của nhiệm kỳ XIX vào guồng, hơn bao giờ hết, điểm nhấn mới, mục tiêu mới sẽ là động lực để Thái Nguyên thay đổi.