Thế giới kiến trúc

Khám phá kiến trúc làng cổ Thổ Hà,nét văn hóa vùng kinh Bắc

13/12/2016

Thổ Hà từng được coi một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt. Gốm Thổ Hà mang những nét đặc sắc hiếm có như: độ sành cao, không thấm nước, tiếng kêu như chuông, màu men nâu đỏ mịn màng, ấm áp và gần gũi. Gốm có độ bền vĩnh cửu dù được chôn trong đất, ngâm trong nước. Đến đây bạn sẽ ngạc nhiên về những sáng tạo của người xưa khi đưa những chất liệu sành vào trong kiến trúc cổ của làng. Tuy nhiên, hiện nay làng chuyển sang làm nghề bánh đa và mỳ gạo.

Làng Thổ Hà xưa kia là làng gốm nổi tiếng đất Bắc. Cổng làng cổ kính, rêu phong, có cây đa lớn tỏa bóng mát.

Thổ Hà như một ốc đảo được bao bọc bởi con sông Cầu. Thông thương quanh vùng đều bằng tàu,

thuyền. Quanh làng có rất nhiều bến nước, trong đó có hai bến chính nằm ở đầu làng và cuối làng.

Ngôi làng còn lưu giữ được vài chục nóc nhà cổ nằm sâu trong những ngõ nhỏ cổ kính, nhiều nhất là của dòng họ Trịnh Đắc, Trịnh Quang, Nguyễn Đình, họ Cáp. Nhà trên 300 năm tuổi của ông Trịnh Bá Mùi, hậu sinh đời thứ 11 của dòng họ Trịnh Đắc, thuộc hàng cổ nhất. Đây là dòng họ lớn, có vai vế trong vùng từ xưa. Hai bên đầu hồi là đôi chum lớn, sản phẩm của nghề gốm thủ công trước dùng đựng gạo, nay để trang trí.

Nhà ông Mùi có 7 gian, lòng nhà rộng 7,5 m, được dựng bằng gỗ lim, vẫn còn giữ được nhiều
nét nguyên bản. Ngôi nhà là chỗ ở của gia đình và là nơi thờ tổ chi của dòng họ.

 

Trong 5 gian nhà chính thì 3 gian để thờ tổ tiên, 2 gian còn lại để ngủ. Hai bên đầu hồi còn có hai nhà phụ để nghỉ

ngơi và nấu nướng. Theo quy định của các cụ thời xưa, nhà chính dùng để thờ tổ tiên và là chỗ nghỉ của đàn ông.

Đàn bà, con gái phải ăn nghỉ ở nhà phụ. Thói quen đó dần được thay đổi theo thời gian.

Nhiều người tìm đến ông Mùi hỏi mua nhà với mục đích sửa sang lại để làm du lịch nhưng ông không bán. Ông muốn

trùng tu nhưng kinh phí rất lớn và phải có sự đồng thuận của anh em trong dòng họ. Ông Mùi cho biết, xưa kia làng này

trên trăm nóc nhà cổ nhưng nay chỉ còn lại rất ít. Giữ được nguyên bản như nhà ông Mùi thuộc hàng hiếm, còn lại đều

sửa sang theo lối nửa cổ, nửa hiện đại. Nhiều nhà bán lại bộ khung cho những người giàu, chuyển nơi khác sống

bởi đất chật người đông.

Cột lim được ghép các mảng chạm khắc đầu rồng oai nghiêm, hoa lá cách điệu thêm phần sinh động.

Nhà của anh Trịnh Quang Phong cũng thuộc hàng đẹp và cổ trong làng. Ngôi nhà gần 200 năm tuổi không còn giữ toàn

bộ nét nguyên bản mà được sửa sang lại chút ít như mái ngói, nền nhà được lát bằng gạch đỏ,

tôn cao lên để tránh ngập nước vào mùa mưa.

Nhà rộng 3 gian, 2 chái, dựng bằng gỗ lim, hai bên cửa bức bàn, ở giữa là cửa song đào. Tường nhà

được xây bằng tiểu sành, mảnh gốm Thổ Hà và trát lại nên mát mùa hè, ấm vào mùa đông.

Bộ án gian, sập thờ, sập ngồi, thiều châu... đều trên trăm tuổi. Anh Phong cho biết, xưa kia cụ nội nhà anh mua

gỗ về, nuôi thợ trong nhà để họ chạm khắc bằng tay, sơn gụ trong vòng 2 năm mới xong.

Cổng làng Thổ Hà với cây đa, bến nước trong ký ức tuổi thơ được anh Phong tái hiện qua bức tranh bằng xốp để nơi góc nhà.

Nơi đây giữ được khá nhiều bức tường xây bằng tiểu sành, mảnh gốm. Thổ Hà cùng với Bát Tràng, Phù Lãng

trở thành một trong ba nơi làm gốm của vùng đồng bằng Bắc Bộ với các sản phẩm lò, chum, vại, tiểu sành.

Những sản phẩm lỗi được người dân tận dụng để xây nhà, dựng tường tạo nên nét kiến trúc độc đáo r

iêng biệt cho làng nghề.

Theo nhịp sống hiện đại, tường gạch vôi được xây lên thay thế cho những bức tường cũ, chuyện xây nhà bằng

tiểu sành chỉ còn trong ký ức, như minh chứng cho thời quá vãng vàng son của nghề gốm Thổ Hà.

Những ngõ nhỏ rộng chừng một mét, hai người đi ngược chiều phải nghiêng mình để tránh nhau.
Các ngõ phân bố đều theo hình xương cá, trục đường hình bàn cờ nối tiếp nhau.
Tường phủ màu rêu phong, nét đẹp chẳng kém Đường Lâm, Cự Đà.

Cổng ra vào ngõ được dựng bằng đá ong, đi thẳng ra bến nước.
 

Đình Thổ Hà trên 300 tuổi nổi tiếng đất Kinh Bắc, nằm trên khu đất rộng hơn 3.000 m2.

Chùa Thổ Hà nằm phía sau đình, bên tay trái là cổng làng tạo nên cảnh quan tự nhiên, hài hòa khi đặt chân lên đất làng này.
 

"Nhất cận thị, nhị cận giang", người Thổ Hà không có ruộng, thu nhập từ nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Ngôi làng giờ nổi tiếng với nghề làm bánh đa nem, bánh đa cua, bánh đa dừa... Khi người nghệ nhân cuối cùng của làng mất vào năm ngoái thì nghề gốm Thổ Hà coi như mất hẳn. Đến Thổ Hà giờ đây không còn trông thấy cảnh: Làng gốm cữ này đang độ lửa/ Khói cỏ de thơm khắp cả làng/ Thuyền đinh khoang nặng đang rời bến/ Thanh Nghệ xuôi vào, Tuyên Thái sang... (Bài thơ Làng gốm Thổ Hà của Vũ Quần Phương).