Diện tích: 150,12 ha. Địa điểm: huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Chủ đầu tư: Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hà Tây. Thời hạn: đến năm 2056.
Khu công nghiệp Thạch Thất Quốc Oai được thành lập theo Quyết định số 2500/2007/QĐ-UB do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) cấp ngày 21 tháng 12 năm 2007 về việc thành lập, phê duyệt dự án và cho Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hà Tây làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thạch Thất Quốc Oai, thị trấn Quốc Oai và xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.
Khoảng cách đến Khu công nghiệp Thạch Thất Quốc Oai:
+ Cách Sân bay quốc tế Nội Bài 30 km
+ Cách trung tâm Thành phố Hà Nội 17 km
+ Cách Cảng Hải Phòng 130 km
+ Cách Cảng nước sâu Quảng Ninh – Cái Lân 150 km
Khu công nghiệp Thạch Thất Quốc Oai nằm giáp đường cao tốc Láng - Hoà Lạc, trục đường cao tốc quan trong và hiện đại nhất thủ đô Hà Nội, liền kề với các Khu đô thị hiện đại và Khu công nghệ cao Hoà Lạc rất thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hoá.
Lực lượng lao động:
Hà Nội là nơi tập trung các Trường Đại học, Cao Đẳng, Trung cấp lớn nhất của Việt Nam, với hệ thống các trường có uy tín, hàng năm cung cấp hàng vạn lao động được đào tạo chuyên sâu về quản lý, kỹ thuật và tay nghề cao. Bên cạnh đó, dân số TP Hà Nội khoảng 6,5 triệu người, trong đó khoảng 70% là dân số trong độ tuổi lao động. Đây là nguồn lao động có thể cung cấp đầy đủ cho nhu cầu của các nhà đầu tư trong Khu công nghiệp.
Hơn nữa, khoảng cách từ trung tâm TP Hà Nội đến Khu công nghiệp chỉ khoảng 17 km, đảm bảo cho việc lực lượng lao động từ Hà Nội đi lại hàng ngày đến KCN thuận tiện và dễ dàng.
CƠ SỞ HẠ TẦNG KỸ THUẬT KHU CÔNG NGHIỆP:
Điều kiện về đất đai:
- Cao độ san nền trung bình 9,8 m
- Chất đất: cứng và đã san nền
Nguồn điện:
- Nguồn điện được cung cấp liên tục và ổn định được lấy từ tuyến điện cao thế của Thành phố Hà Nội.
- Tổng công suất toàn khu khoảng 60.000 KVA.
- Mạng lưới điện được cung cấp dọc các đường giao thông nội bộ trong KCN. Doanh nghiệp đầu tư và xây dựng trạm hạ thế tuỳ theo công suất tiêu thụ.
Hệ thống thoát nước:
Hệ thống thoát nước mưa và nước thải (nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt) được xây dựng riêng biệt. Nước mưa được thu gom qua hệ thống cống và thoát ra các sông trong khu vực. Nước thải được thu gom về Nhà máy xử lý nước thải của KCN.
Xử lý nước thải và chất thải rắn:
Toàn bộ nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt được Doanh nghiệp xử lý đạt tiêu chuẩn tối thiểu mức nước C trước khi xả ra hệ thống đường nước thải chung của KCN. Sau đó, KCN sẽ tiếp tục xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định của Chính Phủ Việt Nam.
Chất thải rắn: các Nhà máy trong KCN sẽ ký Hợp đồng phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải với các Đơn vị có chức năng phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải để vận chuyển rác thải ra khỏi KCN tránh gây ô nhiễm môi trường.
Hệ thống cung cấp Nước sạch:Hệ thống cung cấp nước sạch được đấu nối đến tận chân tường rào từng Doanh nghiệp
Hệ thống giao thông nội bộ trong KCN:
- Hệ thống đường giao thông nội bộ được thiết kế hợp lý để phục vụ cho việc đi lại cho các phương tiện giao thông đến từng lô đất một cách dễ dàng, thuận tiện
- Hệ thống đường khu trung tâm rộng 36m, đường nhánh rộng 24m.
- Hệ thống đường chiếu sáng được lắp đặt dọc theo các tuyến đường
Hệ thống cây xanh:
Hệ thống cây xanh chiếm 10-12% diện tích toàn KCN, kết hợp giữa cây xanh tập trung và cây xanh dọc các tuyến đường tạo cảnh quan chung của KCN.
Hệ thống thông tin:
Hệ thống viễn thông đạt tiêu chuẩn quốc tế và luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc. Hệ thống cáp quang ngầm được đấu nối trực tiếp đến chân hàng rào của từng Doanh nghiệp.
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ XÂY DỰNG:
Mật độ xây dựng:
Toàn bộ công trình bao phủ của "vết chân" công trình ko được vượt quá 65% của tổng diện tích của lô đất. Tỉ lệ chấp nhận được của sàn trên diện tích không vượt quá 200% của tổng diện tích của lô đất
Tầng cao trung bình:
1-2 tầng đối với Nhà xưởng; 1-4 tầng đối với nhà văn phòng, mỗi tầng cao tối đa 4m.
Chỉ giới xây dựng:
Các công trình chính như nhà xưởng, nhà văn phòng, nhà ăn,… (trừ những công trình phụ như nhà để xe, trạm biến áp,...) phải được xây dựng cách chỉ giới đường nội bộ KCN là 6m, và cách hàng rào lô đất kế bên là 3.5 m.
Chiều cao:
Chiều cao công trình tối thiểu không vượt quá 13m khoảng cách thẳng đứng từ cao độ nền đã định (*) đến điểm cao nhất của mái.
Hàng rào:
Chiều cao tối đa của hàng rào dọc theo đường ôtô là 2,3m từ cao độ mặt đất và là loại hàng rào mở từ các thanh sắt đã được sơn phủ.
Hàng rào giữa các lô đất không cao hơn 2m và không sử dụng dây thép gai (nên làm hàng rào không khuất).
Hệ thống chữa cháy và thu lôi:
Người thuê đất bố trí và bảo dưỡng hệ thống báo cháy hiệu quả và hệ thống chữa cháy cho mỗi một công trình trong lô đất. Bất kỳ công trình nào trong phạm vi lô đất phải được trang bị bộ thu lôi theo thiết kế thích hợp.
Sau gần hai năm đi vào hoạt động, với chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, môi trường đầu tư thông thoáng tại thành phố Hà Nội, Khu công nghiệp Thạch Thất Quốc Oai đã được lấp đầy với tổng số trên 20 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các nhà đầu tư nước ngoài lớn như: Meiko Electronic, Young Fast, URC,... và các nhà đầu tư trong nước như: Công ty bánh mứt kẹo Hà Nội, Công ty xà phòng Hà Nội, Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (HABECO),... đã lựa chọn Khu công nghiệp Thạch Thất Quốc Oai để thực hiện dự án đầu tư. Khu công nghiệp đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn và các vùng phụ cận, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng nguồn thu cho ngân sách của Thành phố.
Vị trí địa lý Khu công nghiệp:
Khu công nghiệp Thạch Thất Quốc Oai thuộc thị trấn Quốc Oai và xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội có diện tích 150,12 ha với phạm vi, ranh giới được xác định như sau:
- Phía Bắc : Giáp khu dân cư xã Phùng Xá
- Phía Nam : Giáp đường cao tốc Láng Hoà Lạc
- Phía Đông : đường gom Khu công nghiệp
- Phía Tây : Giáp tuyến đường liên huyện
Khu công nghiệp Thạch Thất Quốc Oai là Khu công nghiệp đa ngành, ít gây ô nhiễm môi trường bao gồm các ngành nghề chính: Công nghiệp lắp ráp cơ khí điện tử; chế biến thực phẩm; công nghiệp nhẹ, hàng tiêu dùng; Chế biến đồ trang sức; Sản xuất linh kiện điện tử chính xác, xe máy, ôtô; đồ điện gia dụng; Cơ khí...