Trong một diễn biến mới, đồng bảng Anh (GBP) tiếp tục rời xa mốc thấp kỷ lục đã thiết lập sau khi có kết quả của cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý Anh rời Liên minh Âu (Brexit).
Chốt phiên 5/7, đồng bảng Anh đã giảm gần 2% so với đồng USD, xuống mức 1,3025 USD/1 GBP. Trong phiên, có thời điểm đồng bảng Anh đã phá mốc 1,3 USD/1 GBP lần đầu tiên kể từ năm 1985.
Diễn biến cặp tỷ giá USD/GBP trong phiên giao dịch
Chỉ trong vòng 24 giờ, 3 quỹ đầu tư BĐS độc lập của Anh đã đồng loạt ngừng cho phép các nhà đầu tư giao dịch nhằm ngăn chặn một đợt tháo vốn hoảng loạn diễn ra
Cụ thể, này 4/7 vừa qua, quỹ Standard Life đã "đóng băng" 2,9 tỷ bảng; ngày 5/7, Aviva đã "đóng băng" 1,8 tỷ bảng và M&G Investments đã "đóng băng" 4,4 tỷ bảng.
Tổng cộng có 9,1 tỷ bảng, tương ứng 11,9 tỷ USD tài sản đã bị "đóng băng", bằng ¼ giá trị của tổng tài sản trong các quỹ BĐS tại Anh.
Theo ước tính của Ngân hàng Trung ương Anh, con số trên chiếm tới gần 7% tổng đầu tư của Anh vào BĐS thương mại cả nước.
Biểu đồ giao dịch BĐS thương mại tại Anh
Các quỹ BĐS của Anh có tính chất khác với các phương tiện đầu tư liên quan đến các sản phẩm phái sinh, yếu tố châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Những quỹ này mở cửa cho cả những nhà đầu tư nhỏ lẻ đầu tư vào các sản phẩm như trung tâm thương mại hay tổ hợp văn phòng.
Quyết định "đóng băng" hoạt động này là một hồi chuông báo động đầu tiên đối với thị trường BĐS Anh sau Brexit.
Việc nền kinh tế tăng trưởng theo hướng giảm tốc và đồng bảng giảm giá sẽ ảnh hưởng lớn tới chi tiêu tiêu dùng, gây ra nhiều bất lợi cho các trung tâm thương mại. Nếu các công ty trong Liên minh châu Âu rời trụ sở khỏi Anh, nhu cầu về diện tích văn phòng cũng sẽ giảm. Đây là hai lý do khiến các quỹ BĐS kể trên phải đối mặt với làn sóng rút vốn ào ạt.
Việc ngừng giao dịch trong một tháng sẽ giúp cho các quỹ đầu tư này có thời gian để gom đủ tiền mặt, thanh toán cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây được dự đoán là một quá trình chậm chạp và khó khăn, vì tiền hiện đang bị “khóa” trong các tài sản có khả năng thanh khoản thấp như cao ốc, khu tổ hợp.
Tình trạng nhốn nháo trong giới đầu tư nhỏ lẻ cũng có thể khiến đợt biến động trở nên trầm trọng hơn. Nếu các nhà đầu tư đổ xô rút vốn, các quỹ buộc phải bán vội các BĐS, làm giảm giá chúng.
Gần đây, tại một số thành phố lớn như London, BĐS đang được định giá đắt đỏ do dòng vốn ngoại rót vào dồi dào.
Để hưởng lợi từ xu hướng này, nhiều nhà đầu tư đang cho xây dựng các tòa cao ốc, làm tăng nguồn cung. Với sự cộng hưởng từ Brexit, thị trường BĐS của Anh đang đối mặt với mối nguy lớn.