Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc thực hiện cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Theo đó, Phó thủ tướng đã đồng ý cho UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để huy động vốn và triển khai đầu tư đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo chỉ đạo của Thủ tướng ngày 20/11/2014. Việc đàm phán, sử dụng khoản vay ưu đãi bên mua của nước ngoài thực hiện theo quy định hiện hành.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải muốn làm dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, trong đó vay Trung Quốc 7.000 tỷ đồng. Sau đó, tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ giao địa phương này là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đầu tư tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị để Quảng Ninh là chủ đầu tư dự án. Ông Long cũng quyết định đầu tư dự án theo hình thức BOT, không vay Trung Quốc 7.000 tỷ đồng.
Lý do lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đưa ra là bởi tổng vốn đầu tư tuyến đường này dự kiến 16.000 tỷ đồng, nếu vay Trung Quốc 7.000 tỷ đồng thì cũng không đủ để đầu tư. Hơn nữa, việc vay vốn Trung Quốc xưa nay thường đi kèm điều kiện.
Tại cuộc họp Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 21/11, tỉnh đã thống nhất chọn liên danh nhà đầu tư Cái Mép - Thái Sơn - Vinaconex E&C - BRJSC12 – Khánh An - Cienco1 là chủ đầu tư dự án.
Liên danh nhà đầu tư đã trình bày 3 phương án trong dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với thời gian triển khai trong vòng 3 năm, thời gian thu phí 25 năm. Cụ thể, dự án có chiều dài khoảng 91,17 km. Điểm đầu dự án tại Km59+556,36 - nút giao Đoàn Kết, thuộc địa phận xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn; điểm cuối tại Km150+725,03 - giao đường tỉnh 335, trùng với điểm đầu dự án cầu Bắc Luân, TP. Móng Cái.
Được biết, dự án đi qua 5 địa phương, gồm: Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái và Hải Hà. Quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.