Báo cáo của Cushman & Wakefield cũng tiết lộ sẽ có hơn 1.1 triệu m2 diện tích khu bán lẻ mới gia nhập thị trường Châu Âu trong năm 2017. Đây là con số khá ấn tượng so với 830,000 m2 diện tích tăng thêm trong năm 2015. Nếu tất cả diện tích mới được hoàn thành theo đúng kế hoạch, tổng diện tích sàn bán lẻ ở Châu Âu sẽ tăng từ 37.3 triệu m2 vào đầu năm 2016 lên đến gần 40 triệu m2 vào cuối năm 2017. Trong số 2.41 triệu m2 diện tích tiềm năng sẽ được tăng thêm, 2.06 triệu m2 ở Tây Âu và 0.35 triệu m2 ở Trung và Đông Âu.
Tiếp nối năm 2015, Pháp tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về số lượng nguồn cung khu bán lẻ mới giai đoạn 2016-2017, chiếm 54% tổng diện tích mới ở Tây Âu, tiếp theo sau là Anh với 17% và Ý với 10%. Nguồn cung diện tích sàn tiềm năng ở khu vực Trung và Đông Âu thấp hơn đáng kể so với Tây Âu, top 3 ở khu vực này là Nga, Ba Lan và Cộng hòa Séc.
Pháp tiếp tục dẫn đầu về phát triển nguồn cung khu bán lẻ mới ở thị trường Châu Âu |
Cushman & Wakefield cũng chỉ ra xu hướng phát triển chính của khu bán lẻ trong tương lai đang hướng đến cải thiện chất lượng. Những kênh bán lẻ có định vị tốt và dễ tiếp cận ngày càng thu hút được khách hàng và nhà bán lẻ. Các khu bán lẻ được mở rộng phạm vi bán hàng, kết hợp vui chơi giải trí, gia tăng các các dự án quy mô nhỏ phục vụ khu vực địa phương, tái định hướng cơ cấu khách thuê, gia tăng tỷ lệ khách mới thay vì các vị trí đắc địa trên các con phố lớn hay các trung tâm mua sắm như trước kia. Các khu bán lẻ mới cũng thu hút nhiều hơn các thương hiệu thực phẩm hạng sang, các ngành thời trang, gia dụng, vui chơi giải trí chất lượng để tăng tính đa đạng cho sản phẩm và hạn chế rủi ro của các mô hình mới.
Ông Martin Supple, đại diện bán hàng khu vực EMEA nhận định: “Tỷ lệ trống thấp cho thấy đang có sự gia tăng nhu cầu khách thuê các khu bán lẻ trên khắp Châu Âu nhờ vào chi phí tương đối thấp, bố trí sàn linh hoạt, cấu trúc hậu cần tốt hơn, dịch vụ bán hàng trực tuyến cũng như cơ hội để kiểm tra các định dạng và khái niệm mới. Khách hàng quan tâm đến mô hình cửa hàng mua sắm một cửa (one-stop shopping) với bãi đỗ xe miễn phí và sự đa dạng các thương hiệu bán lẻ. Khu vui chơi giải trí cũng cải thiện thiết kế và phong cách, tập trung vào trải nghiệm của khách hàng, góp phần tạo nên những ảnh hưởng tích cực lên việc thu hút khách hàng. Điều này được phản ánh rõ trong sự phát triển nguồn cung nhằm đáp ứng mong muốn của thị trường.”
Mặc dù năm 2016 đã chứng kiến sự sụt giảm nhẹ về hoạt động của thị trường bán lẻ, tuy nhiên đây lại là năm mà nguồn vốn đầu tư vào các khu bán lẻ và các nhà kho bán lẻ tăng mạnh nhất tính từ năm 2006 trở lại đây với 9 tỷ euro đầu tư trên khắp Châu Âu. Dẫn đầu là Anh Quốc chiếm 55% trên tổng số, tiếp theo sau là Pháp với mức đầu tư tăng 69% so với năm 2014 và Thụy Điển lập kỷ lục mới với mức đầu tư 594 triệu euro.
Phương Uyên
(Theo Tuổi trẻ Online)